Road movie: “Visa cho phượt thủ”!
Road movie – đồng hành cùng bình minh điện ảnh
Road movie, có thể hiểu là phim hành trình, hoặc những bộ phim theo tinh thần on-the-road (trên mọi nẻo đường) đã xuất hiện ngay từ buổi bình minh của điện ảnh, nhưng dòng phim này chỉ thực sự bùng nổ sau Thế chiến II và thăng hoa vào những năm 1970, thời điểm trào lưu hippy với tư tưởng giải phóng lan tràn ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương. Những bộ phim được xếp vào dòng road movie rất đa dạng về phong cách thể hiện. Đó có thể là một câu chuyện xảy ra trên đường, như “Wild Hogs”, “Due Date”…; cũng có thể liên quan đến một hành trình nhưng có rất ít yếu tố du lịch như “Little Miss Sunshine”…; hay có thể chỉ là mong muốn thay đổi chính bản thân mình thông qua những chuyến đi, như “Sideways” hay “Into The Wild”... Tuy nhiên, tất cả đều có một công thức chung là khát khao chạy trốn khỏi thực tại, tìm kiếm – trải nghiệm – học tập những thứ mới mẻ. Các nhân vật chính có thể là một gia đình, một đôi bạn, một cặp tình nhân hoặc đơn giản chỉ là một tâm hồn cô đơn…
Giống một câu nói quen thuộc, “Hạnh phúc không nằm ở đích đến mà trên từng chặng đường”, road movie chính là biểu hiện rõ rệt nhất của xu hướng du lịch hiện đại, khi hầu hết các bộ phim không tập trung vào đích đến, mà khai thác cách người ta đến đó như thế nào. Các nhân vật đã thay đổi ra sao khi đi từ điểm A tới điểm B, đã không là con người cũ khi đặt chân tới “vùng đất mơ ước”. Hay nói khác đi, những trải nghiệm trên đường mới là chủ đề chính, cũng là cách để lôi kéo khán giả vào cuộc hành trình, khiến họ cảm thấy mình như đang đồng hành cùng nhân vật. “Sideways”, một trong những phim hay nhất năm 2014 là một ví dụ điển hình, hay “Thelma & Louise”, bộ phim mang tính biểu tượng của đạo diễn Ridley Scott cũng có ý nghĩa tương tự.
"The Secret Life Of Walter Mitty"
Và sự trộn lẫn đáng yêu
Dù là một dòng riêng nhưng road movie cũng có thể giao thoa với mọi thể loại phim khác. “2001: A Space Odyssey” – phim viễn tưởng vĩ đại nhất mọi thời hay series “Star Trek” có tuổi đời hàng chục năm là những chuyến viễn du vào vũ trụ bao la, vượt qua mọi biên giới, tìm kiếm những hành tinh, khám phá những tri thức nằm ngoài tầm hiểu biết của nhân loại. “Mad Max: Fury Road”, phim giành nhiều tượng vàng Oscar nhất năm 2016 thực chất là hành trình bão táp của các nhân vật chính trong việc tìm kiếm tự do và giải thoát những ký ức u ám. “Bonnie And Clyde” bộ phim kinh điển ra mắt năm 1967, dù thuộc dòng phim tội phạm – tiểu sử nhưng tràn ngập tinh thần on-the-road. Hay bộ ba “hài thô” – “The Hangover”, mỗi tập là một chuyến du lịch dở khóc dở cười nhưng chắc chắn không thể nào quên với cả các nhân vật trong phim cũng như khán giả. Hay anh chàng Walter Mitty trong bộ phim rất đáng yêu “The Secret Life Of Walter Mitty” cũng phải trải qua nhiều chặng đường gian nan để biết cách trân trọng những điều giản dị ở ngay bên cạnh mình. Mỗi chuyến đi là một bài học quý báu, cho dù đôi khi người ta phải trả giá bằng cả sinh mạng, như Christopher McCandless trong “Into The Wild”.
Tuy nhiên vẫn có nhiều bộ phim khác đậm đà màu sắc du lịch mà không được xếp vào dòng road movie. Bởi nó chỉ cho khán giả thưởng thức những trải nghiệm của nhân vật chính – trong thân phận của một du khách – tại một địa danh cụ thể, chứ không phải trên dặm đường thiên lý. Những người sành sỏi hẳn sẽ nhớ ngay đến loạt ba phim tình cảm rất độc đáo, bao gồm “Vicky Cristina Barcelona”, “Midnight In Paris” và “To Rome With Love”. Trong đó, dưới bàn tay dàn dựng khéo léo của đạo diễn Woody Allen, ba thành phố đẹp đẽ và lãng mạn bậc nhất châu Âu đã hiện ra thật quyến rũ trên màn ảnh, thôi thúc, mời gọi khán giả đến để trải nghiệm mọi cung bậc cảm xúc như chính các nhân vật trong phim.
Điện ảnh Việt Nam cũng có khá nhiều phim hành trình đúng nghĩa, vào giai đoạn 1975 – 2000. Nổi tiếng nhất phải kể đến ba tác phẩm: “Chuyến xe bão táp” của đạo diễn Trần Vũ, “Thị xã trong tầm tay” của NSND - đạo diễn Đặng Nhật Minh và “Ai xuôi vạn lý” của đạo diễn Lê Hoàng. Gần đây nhất, “Tèo Em” của đạo diễn Charlie Nguyễn và “Bộ ba rắc rối” của đạo diễn Võ Tấn Bình là những phim on-the-road chuẩn mực, tuy nhiên mức độ thành công lại hoàn toàn trái ngược.
Không hề kém cạnh chút nào chính là “Lost In Translation”, bộ phim độc lập nổi tiếng của nữ đạo diễn Sofia Coppola. Trong đó, thành phố Tokyo với muôn màu sắc sống động, được coi là nhân vật chính thứ ba bên cạnh hai du khách phương Tây đang “lạc lối” trong mê cung tâm trạng của bản thân. Không phải ngẫu nhiên mà những người mê điện ảnh đã lập ra hẳn một danh sách những tác phẩm điện ảnh mà ở đó, bối cảnh xảy ra câu chuyện mới là yếu tố lôi cuốn nhất. Ngoài “Lost In Translation” còn có những cái tên nổi bật khác như “Mahattan” của Woody Allen, “Bên đó mấy giờ rồi” của Thái Minh Lượng, “In Bruges” của Martin McDonagh, “In The City Of Sylvia” của Jose Luis Guerin, “Paris”, “Texas” của Wim Wenders, “Eat Pray Love” của Ryan Murphy, “Under The Tuscan Sun” của Audrey Wells... Cho dù nội dung và thể loại có đa dạng đến đâu thì điểm tương đồng lớn nhất giữa những bộ phim này vẫn là khai thác cuộc tìm kiếm ý vị nhân sinh mới mẻ ở một nơi chốn hoàn toàn xa lạ.
Toàn cầu hóa khiến con người di chuyển nhiều hơn và dễ dàng hơn, đồng thời cũng gia tăng nhu cầu và ham muốn trải nghiệm những điều khác biệt. Chính dòng phim hành trình hay tương tự như vậy đôi khi lại thật cần thiết, giúp chúng ta nhận ra mình là ai, từ đâu đến và sẽ đi về đâu…
- "Easy Rider": 1969
- "Thelma & Louis": 1991
- "Central Station": 1998
- "Lost In Translation": 2003
- "Sideways": 2004
- "The Motorcycle Diaries": 2004
- "Little Miss Sunshine": 2006
- "Into The Wild": 2007
- "Up": 2009
- "The Secret Life Of Walter Mitty": 2013
Bài: Hoài Điệp
Không có nhận xét nào: