Làm đủ nghề không khá, trồng vài trăm m2 hoa lan, thu 200 trăm triệu/năm
Với diện tích 4.000m2, vườn lan của bà Lê Thị Phỉ (TP.Rạch Giá) mỗi năm cung ứng ra thị trường trên dưới 30.000 chậu hoa lan các loại, với giá dao động từ 50.000 đồng/chậu đến hàng triệu đồng tùy loại. Sau khi trừ chi phí, bà Phỉ thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.
Theo bà Phỉ, gia đình bà trồng hoa lan 10 năm nay. Trước năm 2008, gia đình bà sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Chồng bà Phỉ là tài công cho 2 cặp ghe, bà thì lo việc kinh doanh. Năm 2008, gia đình bà quyết định lập vườn trồng hoa lan.
Gia đình bà Phỉ thu về hàng trăm triệu/năm nhờ mô hình trồng lan tại nhà. (Ảnh: NQ).
“Cái duyên với vườn lan đến từ việc chơi lan kiểng vài giò, thấy lan có giá trị kinh tế, vợ chồng tôi quyết định trồng lan với số lượng lớn. Những ngày đầu trồng hoa lan đại trà, vợ chồng tôi gặp không ít khó khăn do chưa nắm vững kỹ thuật” - bà Phỉ chia sẻ.
Gặp khó không lùi bước, chồng bà Phỉ đã khăn gói lên TP.HCM học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi. Chịu khó học hỏi, ông nhanh chóng nắm được bí quyết chăm sóc cũng như xử lý nấm bệnh, giúp lan trổ bông. Nhờ đó, vườn lan của gia đình ông bà được nhiều người biết đến.
Hiện vườn lan của vợ chồng bà Phỉ là địa chỉ cung cấp lan cắt cành quen thuộc của nhiều cửa hàng hoa tươi tại TP.Rạch Giá, cũng là nơi cung ứng cây giống, giá thể, chậu, phân bón, thuốc trị bệnh cho lan. (Ảnh: NQ).
Dẫn chúng tôi tham quan vườn lan xanh tốt với những cành hoa đang tỏa hương ngào ngạt, bà Phỉ cho biết: “Hiện gia đình đang cải tạo lại vườn lan, chuyển sang trồng lan Mokara. Đây là loại lan đang được ưa chuộng do dễ trồng và thị trường tiêu thụ tương đối lớn, thích hợp với việc trồng sản xuất hoa cắt cành do ra hoa nhiều, đem lại hiệu quả kinh tế cao so với các giống lan khác”.
Đến phường Vĩnh Quang (TP.Rạch Giá), một trong những địa chỉ mà những người yêu hoa lan hay tìm đến là vườn lan của anh Lê Hồng Khanh (43 tuổi). Xuất thân từ nghề may nên cách bày trí, uốn dáng cho lan của anh Khanh cũng thật đặc biệt. Những giò lan quý, hiếm được tạo nhiều hình dáng.
Với sự khéo léo của mình anh Khanh rất thuận lợi tyrong việc tạo dáng lan. (Ảnh: NQ).
Gia đình khó khăn, việc học hành bỏ dở, anh Khanh chọn nghề may để mưu sinh. Thế nhưng cách đây 8 năm, anh bắt đầu mua hoa lan về chơi, dần dần mê lúc nào không biết, để rồi có thêm nghề tay trái - trồng, dưỡng và bán hoa lan.
Không chọn những loại hoa lan thông thường, anh Khanh chọn một số loại lan quý, hiếm để trồng, dưỡng, gây giống. Có lẽ ảnh hưởng từ nghề may lúc trước mà anh trồng lan cũng không kém phần tỉ mỉ. Anh chăm chút từng giò lan, căng chỉ để lan vươn thẳng, uốn lượn, hay rũ xuống…
Anh Khanh có nguồn thu nhập từ nghề trồng lan khoảng 200 triệu đồng/năm. (Ảnh: NQ).
Bởi sở hữu nhiều loài lan quý, hiếm nên đầu ra của vườn lan Khanh chủ yếu là những khách hàng thích sưu tầm lan quý, hiếm, những hợp đồng trang trí cho những khu nghỉ dưỡng, resort…Từ đó, anh Khanh có nguồn thu nhập từ nghề trồng lan khoảng 200 triệu đồng/năm.
“Nếu sợ cực, sợ lỗ sẽ không thể đeo nghề trồng hoa lan được. Những khi vào cao điểm chuẩn bị lan bán các dịp lễ, tết, người trồng rất cực, xử lý phân thuốc liên tục để hoa ra đúng thời điểm” - anh Khanh bộc bạch.
Tại Festival Nông nghiệp - Ngư nghiệp năm 2017 được tổ chức tại Kiên Giang vừa qua, anh Khanh đã vượt qua nhiều nghệ nhân trong và ngoài tỉnh giành cả 3 giải nhất, nhì, ba với 3 giò lan được anh sưu tầm từ nhiều năm. Hiện anh Khanh đang tìm mặt bằng để làm điểm trồng, dưỡng và giới thiệu hoa lan quý, hiếm với du khách gần xa khi đến TP.Rạch Giá tham quan, du lịch.
Theo Chúc Ly - Ngọc Quyên
Dân Việt
from Báo Gia đình & Xã hội - Trang chủ https://ift.tt/2I6gE01
via IFTTT
Không có nhận xét nào: