Ông lão kiếm 20 triệu/tháng từ củ khoai mài
Bắt tay vào trồng cây khoai mài từ năm 2013, đến nay ông Hiệp đã rút ra được khá nhiều kinh nghiệm trồng loại cây dại vốn mọc trong rừng cho giá trị kinh tế cao này. Hiện nay, người dân khắp nơi đã và đang tìm đến ông để học hỏi kỹ thuật và mua giống về trồng. Ông hướng dẫn cho bà con cách trồng. Từ chỗ, chỉ có gia đình ông trồng, đến nay trên địa bàn thôn ông sinh sống đã có hơn 70 hộ bắt tay vào trồng loại cây này.
Sản phẩm khoai mài của ông Nguyễn Thái Hiệp. Ảnh: Nguyễn Duyên.
Theo ông Hiệp, cây khoai mài rất dễ trồng, không mất công chăm sóc, chi phí ít và cũng không tốn nhân công, phân bón là bao. Loại cây này phát triển ở vùng miền núi rất thích hợp.
Ông Nguyễn Thái Hiệp chuẩn bị "đồ nghề" để đào khoai mài. Ảnh; Nguyễn Duyên.
Khi trồng, cây khoai mài được đặt trong 1 cái bao tải để khi củ của cây chỉ phát triển trong phạm vi cái bao tải chứ không đâm sâu xuống đất. Làm cách này để khi thu hoạch củ khoai mài không tốn công sức đào sâu mà củ thì gần như nguyên vẹn chứ không vỡ nát như khi đào cây mọc dại trong rừng. Ảnh: Nguyễn Duyên.
Về kỹ thuật trồng khoai mài ông Hiệp cho biết: Khi đã có giống, tiến hành trồng vào ½ cái bao tải. Trong bao tải trộn lẫn phân chuồng với đất. Đặt hạt giống vào giữa bao tải rồi phủ một lớp đất mỏng. Khi lấp đất xong thì dùng cành, lá cây phủ lên trên để tạo độ ẩm cho cây phát triển đồng thời ngăn ngừa cỏ dại mọc.
Sau khi trồng, phủ một lớp cây bụi để tạo độ ẩm cho cây phát triển. Ảnh: Nguyễn Duyên.
Khoai mài là loại cây ưa khô hạn nên khi trồng phải lên luống tạo độ nghiêng để thoát nước. Khi trồng, mỗi gốc khoai mài cách nhau khoảng 40cm, mỗi hàng cách nhau khoảng 1m. Có thể trồng dưới tán rừng thông...
Khoai mài được gia đình ông Hiệp tận dụng trồng dưới tán rừng thông. Ảnh: Nguyễn Duyên.
Khoai mài cũng có thể trồng ở đất vườn, đồi có độ dốc. Ảnh: Nguyễn Duyên.
Trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây khoai mài, người trồng không phải sử dụng bất kỳ một loại thuốc trừ sâu hay hóa chất gì. Cây trồng từ 10 - 12 tháng là thu hoạch củ được.
Ông Hiệp phân tích, việc gieo giống khoai mài trong bao tải có nhiều tác dụng. Vì đây vốn là loại cây mọc hoang dại trong rừng, củ phát triển theo chiều dài và cắm sâu xuống lòng đất nên việc đào bới là rất khó khăn. Do đó, khi trồng trong bao tải, đến lúc củ phát triển chỉ nằm gọn trong đó đến lúc thu hoạch dễ dàng hơn. Và khi trồng trong bao tải đến lúc thu hoạch chỉ cần gạt đi lớp đất mặt, xé lớp bao tải ngoài là lấy được toàn bộ củ, không mất công đào xới, củ khoai mài không vị vỡ, dập nát...
Khi thu hoạch khoai mài, ông Hiệp chỉ việc đào và nhấc cái bao tải có chứa củ khoai ở bên trong. Ảnh: Nguyễn Duyên.
Hiện nay, sản phẩm khoai mài của ông Hiệp và người dân xã Sơn Giang đã cung cấp ra thị trường trong cả nước. Củ khoai mài vừa là một loại thực phẩm bổ dưỡng vừa là một vị thuốc trong đông y. Hiện nay, người dân đang bán với giá 60 - 80.000 đồng/kg, sản phẩm khoai mài làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Theo đánh giá, mỗi sào trồng khoai mài cho thu nhập từ 40 triệu đồng trở lên...
Củ khoai phát triển chỉ nằm gọn trong bao tải. Ảnh: Nguyễn Duyên.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Thọ - Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: "Việc người dân trồng cây khoai mài mang lại hiệu quả kinh tế là có. Hiện nay, việc trồng loại cây này đang cho những tín hiệu tích cực, vừa tận dụng được đất, vừa có tác dụng phòng chống cháy rừng, sản phẩm lại bán được giá. Tuy nhiên, chúng còn phải nghiên cứu đầu ra ổn định cho sản phẩm này. Sắp tới chúng tôi sẽ cho nghiên cứu kỹ hơn để có mức đánh giá và có hướng phát triển cụ thể".
Theo Dân Việt
from Báo Gia đình & Xã hội - Trang chủ https://ift.tt/2uDxHjI
via IFTTT
Không có nhận xét nào: