4 cách chống nồm "phản khoa học" mà rất nhiều người đang làm khiến nhà càng ẩm ướt thêm
Việc trời bị nồm ẩm, nhà đổ mồ hôi, trơn trượt, đồ dùng trong nhà xuất hiện các vết mốc,... khiến cuộc sống sinh hoạt trong gia đình gặp nhiều khó khăn. Có nhiều cách đơn giản để đối phó và khắc phục tình trạng nồm ẩm trong nhà như dùng khăn hoặc giẻ khô lau nhà, dùng giấy báo hút ẩm, sử dụng máy hút ẩm,...
Bên cạnh những phương pháp này, cũng cần tránh ngay một số cách chống nồm phản tác dụng mà nhiều người thường hay làm, sẽ chỉ khiến nhà càng ẩm ướt thêm chứ không hề đem lại tác dụng gì.
1. Lau sàn nhà với nước
Nhiều người thấy sàn nhà đổ mồ hôi và bụi bẩn thì vội lấy ngay chổi lau nhà rồi bật quạt cho khô. Tuy nhiên, việc làm này chỉ càng "đổ thêm dầu vào lửa" vì sàn nhà đã ướt rồi mà lại lau ướt thì chỉ càng trơn trượt khó khô hơn, chưa kể đến việc hơi ẩm sẽ tích tụ càng nhiều khiến tường bị mốc và gây hại cho các thiết bị điện.
Không nên lau nhà bằng giẻ ướt mà nên lau bằng giẻ khô trong những ngày nồm ẩm. (Ảnh minh họa)
Để giúp sàn nhà bớt trơn, bạn có thể dùng giấy báo trải gần cửa ra vào, cạnh thảm lau nhà để giúp hút ẩm tốt hơn, hoặc dùng giẻ khô lau nhà cho bớt nước.
2. Đóng kín cửa nhà, bật quạt hong khô
Tương tự như lau ướt nhà, việc bật quạt cũng là cách chống nồm ngược đời, không hề có tác dụng giúp hơi nước bốc đi nhanh hơn. Hơi lạnh từ quạt thổi ra không những không làm bay hơi nước trong phòng đã bị đóng kín, mà còn làm cho không khí ẩm ngưng kết mạnh hơn, nước đọng lại càng nhiều hơn, ẩm mốc càng nhiều hơn.
3. Mở toang cửa, mở nhiều cửa sổ
Khi thấy nhà ẩm ướt, nhiều người thường mở cửa thật thoáng vì cho rằng hơi ẩm sẽ bay bớt ra ngoài, nhà khô hơn. Tuy nhiên, bên ngoài trời nồm như vậy, càng mở cửa thì không khí ẩm bên ngoài bay vào càng nhiều. Tốt nhất, nên hạn chế sự xâm nhập của hơi ẩm vào nhà bằng cách đóng kín cửa.
Khi đóng kín cửa phải sử dụng máy hút ẩm hoặc máy điều hòa nhằm hút hết hơi ẩm trong phòng và thay bằng không khí khô hơn. Nếu đóng kín cửa mà không sử dụng điều hòa hoặc máy hút ẩm thì nhà vẫn bị ẩm ướt.
Có thể mở cửa sổ cho nhà khô thoáng những khi trời hửng nắng. (Ảnh minh họa)
Những ngày nồm ẩm hiện nay, mưa phùn chỉ xuất hiện vào đêm và sáng sớm, vào buổi trưa hoặc buổi chiều thường có một khoảng thời gian hửng nắng nhất định. Các gia đình nên tranh thủ khi thấy trời hửng nắng mở cửa nhà để ánh nắng mặt trời tràn vào nhà.
Đây là một cách chống nồm khá hiệu quả giúp hong khô nhà cửa, mặt khác ánh nắng mặt trời cũng giúp diệt virus, vi khuẩn tồn tại ở không khí trong nhà, bớt mùi hôi, làm sạch và khô không khí.
4. Rút phích cắm đồ điện tử liên tục
Thời tiết ẩm ướt là nguyên nhân khiến các thiết bị điện tử dễ bị hỏng hóc, chập cháy. Với các thiết bị điện tử như TV, đầu đọc đĩa, amply… thường rất nhạy cảm với khí hậu ẩm thấp. Bởi vậy để khắc phục tình trạng này bạn cần cắm thiết bị liên tục ở chế độ chờ (standby), sẽ giúp nguồn điện trong máy liên tục hoạt động, sinh nhiệt, sấy thiết bị không bị ẩm.
Ngoài ra bạn cũng nên duy trì mỗi ngày để dàn máy hoạt động một vài tiếng.
Thêm vào đó, để tránh tình trạng rò điện, nên tránh kê trực tiếp đồ điện sát nền nhà hoặc bờ tường. Tốt nhất bạn nên đặt các thiết bị điện cao hơn mặt đất khoảng 1m và cách tường 10-15 cm.
Cách loại bỏ nấm mốc, nồm ẩm
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn - Khoa Hóa (ĐHQGHN), thời tiết nồm là môi trường lý tưởng để vi khuẩn, nấm mốc phát triển mạnh. Nấm mốc có thể xuất hiện ở khắp căn nhà từ tường nhà, trần nhà, sàn nhà, phòng vệ sinh, xung quanh vòi tắm hoa sen hoặc bồn tắm... cho tới tủ quần áo, thảm, đệm…
Để tránh nấm mốc, mọi người cần lau sạch ngay những chỗ có nước ngưng tụ. Bật quạt thông gió làm thông hơi ra ngoài. Trong nhà nên xếp các đồ dễ bị ẩm mốc lên cao, không tiếp xúc trực tiếp với mặt đất. Để thoáng gầm giường, tủ… để tránh mọc nấm mốc không biết.
Quần áo, khăn cất ở nơi sạch sẽ và khô ráo, dịch chuyển tủ quần áo ra xa khỏi chỗ xuất hiện nấm mốc, không để quần áo bị ẩm ướt trong máy giặt, lau tường trong phòng tắm, phòng bếp, vòi sen bằng giẻ lau hoặc miếng mút…
Khi lau dọn để loại bỏ những chỗ nấm mốc cần phải cẩn thận tránh tiếp xúc trực tiếp đến các mảng mốc. Nếu không cẩn thận, nấm mốc có thể gây ra những điều bất lợi cho sức khỏe với nhiều bệnh như dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp hoặc các bệnh ngoài da... Nên dùng găng tay và khẩu trang khi lau chùi nấm mốc.
Theo Eva/Khám phá
from Báo Gia đình & Xã hội - Trang chủ https://ift.tt/2Gr9IJ4
via IFTTT
Không có nhận xét nào: