Tôi là cầu nối cho gia đình mình
- Cơ duyên nào đưa bà đến, hay chính xác hơn là trở về làm việc tại Việt Nam, thưa bà?
- Đó là giấc mơ từ lâu của tôi. Chồng tôi (Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean- Noël Poirier – PV) cũng có chung mối quan tâm về Việt Nam. Chính sợi dây này mang chúng tôi đến bên nhau. Tôi có nửa dòng máu Việt Nam và anh ấy hoàn toàn thấu hiểu về nguồn gốc của tôi. Cả hai đều muốn chuyển sang Việt Nam. Giấc mơ của anh ấy là trở thành Đại sứ Pháp ở Việt Nam, tôi thì không chắc mình muốn có vị trí công việc cụ thể gì nhưng chắc chắn là tôi muốn ở Việt Nam.
Cho dù chúng tôi không hiểu hết mọi thứ, tiếng Việt của tôi cũng không chuẩn lắm nhưng tôi nhận được nhiều sự đồng cảm và chia sẻ, chúng tôi cảm thấy như đang ở nhà. Về công việc, tôi vô cùng hào hứng về sự gần gũi giữa hai đất nước: người Việt Nam quan tâm đến văn hóa Pháp, không khác gì mức độ quan tâm của người Pháp dành cho Việt Nam. Nên có thể nói cả về mặt cá nhân lẫn công việc, tôi cảm thấy rất tuyệt vời khi ở đây.
- Hẳn ba của bà kể rất nhiều về Việt Nam? Hình ảnh Việt Nam có gì thay đổi so với những gì bà từng hình dung khi còn nhỏ?
- Khi còn nhỏ, Việt Nam đối với tôi hiện thân ở phần gia đình mà tôi không được gần gũi. Đó là bà nội và họ hàng bên nội. Ba tôi sang Pháp học năm 1962 và hoàn cảnh lịch sử khi đó khiến ba tôi không thường xuyên liên lạc được với gia đình. Lớn hơn một chút, tôi luôn cảm thấy thiếu hụt, khi những đứa trẻ cùng lứa luôn miệng kể về các buổi tụ họp gia đình đông vui, tôi không được như chúng. Tôi còn nhớ rõ năm 12 tuổi, tôi quyết định tìm hiểu về gia đình mình. Tôi bắt đầu viết thư đều đặn cho mọi người ở Việt Nam, tất nhiên là bằng tiếng Pháp vì gia đình bên nội của tôi nhiều người thạo tiếng Pháp lắm. Chúng tôi kể cho nhau nghe về cuộc sống, học hành, kể cả chuyện chó nuôi trong nhà… Tôi bị Việt Nam hấp dẫn như vậy qua mối dây liên hệ gia đình.
Ba tôi không phải là người nói nhiều. Tôi không biết đấy là do tính người Việt hay do khoảng cách thế hệ mà ba mẹ không tâm sự nhiều với con cái, nên đôi khi tôi tự đến bên ông và hỏi ông về Việt Nam. Ông kể tôi nghe về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, về tư tưởng Khổng giáo, về hệ thống khoa cử và cách sắp xếp tổ chức xã hội thời xưa, v.v…Tôi nghĩ đó là những gì mà ông được học khi còn bé, nên ông muốn chuyển tải cho chúng tôi.
Bà Eva Nguyễn Bình, Phu nhân Đại sứ Cộng hòa Pháp Tham tán Hợp tác và Văn hóa của Đại sứ quán Pháp, Giám đốc viện Pháp L’ESPACE
- Vậy theo bà đâu là khác biệt giữa hai nền văn hóa Pháp – Việt?
- (Cười) Tôi nghĩ não trạng Pháp khiến chúng tôi lúc nào cũng chất vấn. Không phải lúc nào ba tôi cũng hiểu vì sao chúng tôi lại hỏi nhiều vậy! Có rất nhiều đối lập giữa hai nền văn hóa, ví như một đằng là thứ bậc, vâng lời ở Việt Nam; một đằng là cái gì cũng phải chất vấn ở Pháp!
Nhưng nói thật, tôi rất thích tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Mỗi khi về thăm gia đình ở Tp.HCM, tôi luôn thắp hương cầu khấn tổ tiên. Con trai tôi cũng làm thế. Chẳng ai bảo cháu cả, cháu tự nhờ người lớn châm hương để cháu có thể đặt lên bàn thờ.
Ba tôi luôn muốn về thăm Việt Nam. Khi sinh chúng tôi, ông dùng họ Việt đặt cho con cái. Trong hộ chiếu của tôi không có tên Eva. Đấy là tên gọi thông thường mẹ đặt cho tôi vì bà không nói được tiếng Việt. Ba tôi thì muốn con cái mình mang tên Việt vì ông mong một ngày nào đó được trở lại Việt Nam sinh sống cùng các con. Chuyện này cũng có lúc rắc rối đấy! Ở hải quan người ta nhìn hộ chiếu và bảo: “Cô không phải người Pháp”. Ở Pháp, nếu muốn đổi tên chính thức thì phải qua nhà thờ. Sau một thời gian dài vật lộn với bản sắc tôi quyết định không đổi nữa.
- Bà nói mình vật lộn với bản sắc của mình. Chuyện là như thế nào?
- Lúc còn trẻ tôi hay tự hỏi nguồn gốc của mình là gì. Thế nên tôi mới sang Việt Nam thăm bà nội và họ hàng. Những câu hỏi mà ba tôi không trả lời, tôi hiểu dần sau những lần thăm đó. Tôi hiểu mình, gia đình mình và Việt Nam hơn.
- Nhắc đến công việc, bà có thể nói qua về việc đóng hai vai một lúc?
- Tôi làm ngoại giao 22 năm rồi và bắt đầu tham gia lĩnh vực hợp tác với Châu Á từ năm 2003. Cả hai vị trí ở Đại sứ quán và Viện Pháp đều là sự nối dài trong sự nghiệp của tôi. Tôi luôn làm những việc như vậy kể từ lúc còn ở Paris. Nhưng đây là lúc công việc hợp nhất với cuộc sống cá nhân. Trọng trách của tôi là mang Pháp và Việt Nam gần lại với nhau trong khả năng của mình. Và ngay lúc này, khi nói chuyện với Đẹp, tôi bỗng nhận ra mình đã luôn làm việc này từ bấy lâu nay, kể từ năm 12 tuổi khi tôi bắc lại cây cầu nối liền gia đình mình. (cười)
Bà Eva Nguyễn Bình với bức ảnh nhà nội tại Tp.HCM
- Tôi nghe nhân viên của bà kể bà là người rất nhiều ý tưởng và năng lượng. Bà lấy nhiệt huyết làm việc từ đâu ra vậy?
- Tôi nghĩ như thế cũng không tốt lắm cho nhân viên. Có lúc họ sẽ kêu, “Chết dở! Eva lại có ý tưởng mới! Mình lại thêm việc rồi.”(cười)
Chính phủ Pháp trao cho chúng tôi một nhiệm vụ chứ không phải là một công việc, và việc thực hiện nhiệm vụ đến đâu tùy thuộc rất nhiều vào nỗ lực của chúng tôi. Hơn nữa, Việt Nam có sự đồng cảm lớn dành cho người Pháp, văn hóa Pháp; người Việt đòi hỏi biết nhiều hơn về nước Pháp. Chính sự hào hứng như vậy của người Việt Nam thúc đẩy tôi làm nhiều hơn và tốt hơn. Nếu tôi làm gì mà nhận được phản hồi tốt thì có thể hiểu là chúng tôi phải làm nhiều hơn (những việc như thế - PV).
- Một lúc đảm trách nhiều công việc như thế. Bà và chồng có chung sự nghiệp ngoại giao, vậy có dễ cân bằng hơn không?
- (Cười) Nói thật là khó hơn đấy, vì cả hai đều làm việc rất nhiều. Làm việc với chúng tôi nhiều khi bao gồm cả đi nhà hát, gặp gỡ mọi người… trông vậy mà không dễ chút nào. Thú thực, tôi không có thời gian cho bản thân mình và hai chúng tôi không mấy khi có thời gian cho nhau. Bất kể lúc nào rảnh là chúng tôi dành thời gian cho các con. Chúng tôi hay đùa nhau mình như người máy, cứ làm hết việc này đến việc khác từ sáng đến tối. Nhiều lúc tôi quay lại bàn làm việc lúc 9 giờ tối, sau khi các con đi ngủ. Khi ấy chồng tôi nói: “Em đừng làm việc nữa”. Thế là tôi bảo, “Anh là sếp của em. Chính anh muốn em nộp báo cáo này sáng mai còn gì!” (cười). Nhưng dù gì đi nữa, tôi luôn cố gắng cân bằng, mỗi tuần đều dành 3-4 tối chơi với con. Cả tôi và con trai đều thích làm đồ thủ công. Nhất là tôi! Chúng tôi còn thi vẽ và lắp lego với nhau trong khi chồng tôi làm giám khảo.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bà.
Trong lịch sử ngoại giao, mối quan hệ giữa hai đất nước được củng cố và thúc đẩy nhờ nỗ lực và những đóng góp không nhỏ của các vị Đại sứ. Trong nhiệm kỳ công tác ở nước ngoài hay tại một tổ chức quốc tế, với tư cách là người đại diện cao nhất cho chính phủ của mình, mỗi Đại sứ đều mang trên vai những trọng trách to lớn mà tổ quốc giao phó cho họ.
Nhưng ít ai biết được rằng, một nửa của các Đại sứ, chính họ cũng phải gánh vác sứ mệnh riêng của mình trong hành trình theo chồng/vợ đến một quốc gia mới. Bằng những con đường khác nhau, không ồn ào mà lặng lẽ, mỗi người trong số họ, dù là lần đầu tiên đến Việt Nam hay có “duyên” quay trở lại nơi này, đều đang âm thầm đóng góp những điều nhỏ bé, thắt chặt thêm sự gần gũi giữa Việt Nam và thế giới. Với tâm niệm không muốn trở thành khách du lịch trên mảnh đất mà mình đang sinh sống, họ đã dùng một thứ “quyền lực mềm” đến từ sự duyên dáng, thông minh và chân thành để chinh phục trái tim người Việt Nam vốn nồng hậu và mến khách.
Vậy một nửa của các Đại sứ - họ là ai?
Đọc thêm:
- Ông Clayton Bond - Phu quân Đại sứ Mỹ: Hãy dũng cảm là chính mình!
- Bà Irene Öhler - Phu nhân Đại sứ New Zealand: Tôi muốn được nghỉ hưu ở Hà Nội
Tổ chức: Thùy Anh – Hellos
Bài: Hương Giang
Ảnh: Lê lai (Lieta Studio)
Không có nhận xét nào: