Thời trang

[thoi trang][bleft]

Làm đẹp

[lam dep][grids]

Nội trợ

[noi tro][bleft]

Tâm sự

[tam su][twoclumns]
Được tạo bởi Blogger.

GS Trịnh Xuân Thuận: “Đừng coi thần đồng là “người ngoài hành tinh!”

Vũ trụ chơi Jazz, đời người không thể là cuốn sách viết sẵn…

- Rời Việt Nam năm 1966, hành trang của cậu thanh niên 18 tuổi Trịnh Xuân Thuận có những gì, thưa ông?

- Tôi có những thứ căn bản mà một người Việt Nam trước nay vẫn thường có: những phong tục, tập quán tốt đẹp của người Việt; sự đùm bọc của gia đình, họ hàng; và thêm nữa, là đạo Phật… Những nền tảng tinh thần đó thực sự là bệ đỡ giá trị giúp tôi vượt qua những năm tháng đầu cô đơn nơi đất khách. Một lá thư tay ngày ấy, có khi phải chờ cả tháng mới tới, nhưng vẫn đủ để sưởi ấm đứa con xa nhà, chưa có bạn bè và chưa nắm được trong tay thứ ngôn ngữ cần làm chủ…  

- Lúc đó, ông có nhiều mặc cảm?

- Nhất định rồi. Lần đầu tiên rời Việt Nam, tới một đất nước xa lạ (Thụy Sĩ - PV), tôi như đi vào vùng vô định. Nhưng lúc đó, tôi may mắn có một người chú làm ngoại giao tại Bern nên ít nhiều vẫn cảm thấy mình có gia đình. Còn sau đó sang Mỹ thì tuyệt nhiên không quen một ai, lúc đó mới thực sự cảm thấy mình như đang bước vào một hành tinh khác. Nhưng người Mỹ có câu: Hoặc anh phải bơi, hoặc anh sẽ chìm. Nên nhất định mình phải bơi rồi! Tuổi trẻ thường ít đắn đo, giờ nghĩ lại thấy ngày đó mình gan thật! (cười)

- Giờ có nhiều bạn nhỏ thậm chí còn đi du học từ lúc mới hơn 10 tuổi, ông nghĩ ai… to gan hơn?

- Đi thì tất nhiên sẽ trưởng thành nhanh hơn, nhưng dám đi ở tuổi đó cũng là chí lớn đấy! Tuy nhiên, thế giới bây giờ đã được thu nhỏ lại, một cách vô cùng đáng kể, so với thế giới của tôi hồi ấy. Cũng may, lúc đó mình còn trẻ, còn nhiều tâm huyết, sức lực, lại gặp được những người thầy giỏi. Nhưng muốn có may mắn, trước hết, phải tự tạo ra cơ hội...

- Thế giới nhỏ lại, ông thấy hay hơn hay dở đi?

- Trái đất trở thành một cái làng nhỏ, điều đó vừa có thể khiến con người trở nên gần gũi, thân quý nhau hơn, nhưng cũng có thể trở nên xa cách hơn, vì sự cảnh giác và ganh đua... Dẫu vậy, về cơ bản, vẫn là một điều thú vị!

- Ông cho rằng vũ trụ không hẳn hình thành từ những cái ngẫu nhiên mà ít nhiều bị chi phối bởi sự ràng buộc. Nghĩa là, không nên “há miệng chờ sung”, hay “giơ đầu chịu báng”?

- Tôi không tin vào sự ngẫu nhiên, dù rằng có những định luật được viết sẵn. Tôi coi vũ trụ như một người chơi jazz, có định luật nhưng vẫn rất ngẫu hứng, nó thay đổi tùy vào người chơi và người thưởng thức. Cũng vậy, đời người không phải là thứ viết sẵn trong một cuốn sách và không thể thay đổi. Tôi tin mọi thứ đều phụ thuộc vào ý chí tự do của con người.

- Phật giáo quan niệm: cho đi chính là nhận lại. Vậy nên, hãy sống hết mình. Nhưng thiên văn học lại chỉ ra rằng: Các ngôi sao nặng, phát sáng bằng tất cả nhiên liệu của nó thì sẽ bị đốt cháy nhanh hơn các ngôi sao nhẹ, mờ hơn. Hết mình thế nào thì… đủ dùng, theo ông?

- Đó chỉ là một cách nói hình ảnh, tôi không nói ngôi sao là những con người thực sự. Nhưng mọi chuyển động ở đời, theo tôi nên từ tốn. Đạo Phật cũng dạy con người như vậy, chúng ta nên đi ở giữa, không nên quá nghiêng về điều gì, ngay cả sự hết mình.

- Kể cả tình yêu ư?

- Yêu thì có thể hết mình, nhưng cũng đừng nên để mất… quá nhiều năng lượng! (cười). Mọi thứ thái quá đều làm mình tổn hao năng lượng.

- Chẳng phải ông đã có một sự nghiệp hết mình đấy sao?

- Tôi công nhận là tôi thích những việc làm của mình. Khi thích, mình mới có thể hết mình, và trong khoa học, cũng như sáng tạo, có hết mình, thì mới mong chạm được đến thành công. Nhưng cả đời tôi chỉ có một đam mê, nên nếu có hết mình, thì chắc cũng không phải hao phí quá nhiều năng lượng!

Ai cũng là sao, không cứ gì người nổi tiếng

- Trong các cuốn sách của mình, ông thường đưa ra những liên tưởng thú vị giữa vũ trụ và xã hội loài người. Nhưng vì sao ông chưa bao giờ so sánh ngôi sao với… người nổi tiếng – như mọi người vẫn hay bảo? Thậm chí, ông còn khẳng định: “Trên Trái đất, không gì so sánh được với các ngôi sao”?

- Thì chính xác con người được sinh ra từ những hạt bụi của các vì sao mà! Như chính đạo Phật cũng nói: Con người sinh ra từ cát bụi, rồi lại trở về cát bụi. Các ngôi sao là thủy tổ của chúng ta và con người là hậu duệ của các ngôi sao. Vì thế, ai cũng là một ngôi sao, chứ không riêng gì người nổi tiếng!

- Vậy theo ông, con người nên học gì từ thủy tổ của mình?

- Con người là vô giá, và không gì có thể thay thế, cũng giống như không có các vì sao, thì người ta cũng có thể nói lời vĩnh biệt sự sống và ý thức. Nhưng để tồn tại một cách đúng nghĩa, thì chưa bao giờ là đơn giản. Thiên văn học cho hay: Các ngôi sao và các dải thiên hà không đứng yên mà chuyển động không ngừng. Vũ trụ đã trải qua vô vàn biến cố, rất nhiều ngõ cụt, nhưng nó luôn chứng tỏ khả năng sáng tạo và bao giờ cũng biết tìm ra những giải pháp giúp nó tiếp tục tiến lên trên con đường phức tạp hóa. Bản thân tôi cũng đã từng gặp phải những thất bại trong khoa học, từng có lúc gặp khó khi muốn tiếp cận những chiếc kính thiên văn lớn hơn…, nhưng tôi đã không cho phép mình được nản chí, khi được vũ trụ chỉ giáo rằng: Đôi khi, sự thiếu hoàn hảo lại là yếu tố sáng tạo ra cơ may và sự sống…   

- Vật chất phát sáng chỉ chiếm 0,5% trong vũ trụ - như ông cho biết, nhưng đó là điều người ta muốn hướng đến nhất, khi ngước nhìn lên bầu trời. Ông có nghĩ, người nổi tiếng, càng ít, càng xứng đáng được coi là tâm điểm?

- Trong xã hội thời nào và ở đâu cũng cần những tấm gương. Những người trẻ không có thần tượng thì họ sẽ không có định hướng cho cuộc sống. Lúc trẻ, thần tượng của tôi là Albert Einstein, tôi đọc về ông ấy và áp dụng con đường của ông ấy vào con đường của mình. Con người cần có một ý niệm và người nổi tiếng thường tạo ra cảm hứng về sự hình thành ý niệm đó. Tôi nghĩ trong giới khoa học, chỉ có hai người là Einstein và Isaac Newton là đứng tột bậc, bởi họ luôn gắn mọi nghiên cứu của mình với con người, nên những phát hiện của họ làm thay đổi cả vũ trụ.

- Giữa các vì sao là những khoảng trống, chính cái nền đó đã tôn lên ánh sáng lấp lánh. Nếu coi người nổi tiếng là những ngôi sao, thì có thể ví khoảng trống xung quanh họ chính là công chúng không, thưa ông?

- Phần nào đó, cũng có thể ví người nổi tiếng là những ngôi sao. Nhưng tôi không thích và không cho rằng quần chúng là những bóng đen, vì họ có ánh sáng của họ, tuy có thể mờ hơn trong một so sánh nào đó. Ai cũng có vai trò trong xã hội nên không bao giờ được phủ nhận con người.

- Ông từng viết: “Thói ăn thịt đồng loại là luật rừng được áp dụng cả trong các thiên hà”, còn người Việt thì có câu: “Hổ dữ không ăn thịt con”. Và trên thực tế, người với người không phải lúc nào cũng “sống để yêu nhau”. Nhà thiên văn học, ông sẽ nói gì?

- Các thiên hà lớn ngày càng trở nên mạnh hơn bằng cách “ăn thịt” các thiên hà yếu hơn, quả vậy! Quy luật của vũ trụ là cái nhỏ luôn rơi vào cái lớn, cái lớn bao trùm cái nhỏ, nhưng điều đó diễn ra một cách tự nhiên và hồn nhiên do lực hấp dẫn của vạn vật, chứ không phải do tâm địa các thực thể tạo ra. Còn thế giới loài người thì khác, con người hại nhau là do mưu đồ và dã tâm của họ, mà quên rằng, chúng ta thật ra đều là “con cháu một nhà”… Tôi từng đặt ra câu hỏi: Chúng ta được ban tặng một “năng lực phi lý”, đó là năng lực hiểu được thế giới. Liệu có thể, đó là để tạo ra cho thế giới một ý nghĩa không?

- Những ngôi sao mới xuất hiện được thiên văn học đánh giá là sự báo hiệu của những tốt lành. Nhưng ở xã hội Việt Nam, đôi khi những người trẻ không được chào đón bởi những người già có máu “bài trẻ”! Cách nào để sáng, thưa ông?

- Đúng là trong xã hội ít nhiều bảo thủ và thiếu cởi mở thì sự xuất hiện của người trẻ đôi khi khiến một số người già cảm thấy lo sợ hay nghi ngại. Nhưng nước Mỹ thì không, họ luôn khuyến khích những ý tưởng mới và sẵn lòng chào đón những người mới. Quả nhiên, họ có Bill Gates, hay Steve Jobs... Cũng còn tùy xã hội, nhưng tôi nghĩ là nên trung dung. Không thể trao hết cơ hội cho người trẻ, một khi họ thừa hăng hái nhưng lại thiếu kinh nghiệm. Nên lý tưởng nhất vẫn là cần ý tưởng mới (của người trẻ) + kinh nghiệm (của người lớn tuổi), như thế tốt hơn cho xã hội.

- Vậy theo ông, cần có một thái độ thế nào với những thần đồng?

- Tôi biết nhiều đứa trẻ được coi là thần đồng lúc nhỏ, nhưng tài năng đó đã sớm tắt. Đa số thần đồng "chết yểu" đều từng bị coi là kẻ lạ, hoặc bản thân người đó không có sự hòa hợp thực sự với xã hội nên việc vào đời trở nên khó khăn. Thái độ đúng theo tôi nên là: Cần tạo điều kiện để cho người có khả năng đặc biệt sống hài hòa trong xã hội, trong tình yêu thương của gia đình và cần có cái nhìn cởi mở của cộng đồng. Không nên coi thần đồng như những kẻ lạ, những người ngoài hành tinh, vì bản thân sự khác biệt đôi khi cũng là bi kịch của họ.

Nên nhìn đời bằng kính thiên văn

- Ông nói: Các thiên hà có bản năng quần cư và không thích sự cô đơn; nhưng ai đó lại nói rằng, làm khoa học và sáng tạo thì cần phải cô đơn. Theo ông, cô đơn là điều kiện lý tưởng, hay là bi kịch của người sáng tạo?

- Đúng là khoa học và sáng tạo thì không có rập khuôn, nó là sự cô độc, nhưng sự cô độc đó là dành cho công việc, trong lúc mình làm việc, chứ sau khi rời công việc mà vẫn cô đơn thì khổ quá. Cô đơn cả đời thì đó là bi kịch! Tôi may mắn có được một người vợ tận tụy lo toan mọi thứ cho mình trong cuộc sống riêng. Bên cạnh đó, ngôi trường nơi tôi làm việc và nghiên cứu, thiên nhiên cũng rất thanh bình. Tôi không gọi sự yên tĩnh đó là cô đơn, mà là sự thanh bình.

- Ông có từng cô đơn trong những quyết định “lạ đời” của mình không?

- Khi tôi muốn đi du học, trong một điều kiện khá khó khăn, bố mẹ tôi đã không hề ngăn cản. Khi tôi chọn vật lý thiên văn, ở Việt Nam chưa ai biết nó là gì nhưng bố mẹ vẫn động viên và ủng hộ. Hồi tôi còn học phổ thông cũng thế, dù thấy con học giỏi đồng đều các môn, nhưng bố mẹ không bao giờ ép tôi vào đường này đường kia mà để tôi được tự do lựa chọn con đường riêng của mình. Sau này, khi đã có gia đình, vợ tôi cũng cho tôi không gian riêng để được làm điều mình yêu thích.

- Vợ ông có làm khoa học?

- Vợ tôi dạy toán và vật lý.

- Ông có nợ bà ấy điều gì không?

- Thì chắc chắn rồi! Lựa chọn công việc này, chúng tôi đều rất bận, nên đời sống bình thường có nhiều thứ khó chu toàn. Chẳng hạn việc đi ăn tiệm, đi xem phim ở ngoài là những điều khó khăn, tôi không có thời giờ để làm. Người phụ nữ bên cạnh tôi phải hi sinh những điều bình thường như thế.

- Nếu nhìn đời sống bằng một chiếc kính thiên văn thì điều gì sẽ xảy ra, theo ông?

- Nhìn xa chưa chắc đã thấy những gì nhỏ nhất, nhưng ít ra còn trông được rộng, để không đưa ra những quyết định thiển cận. Chiếc kính đó, tôi nghĩ, cần nhất cho các nhà lãnh đạo.

- Còn những kẻ đang yêu thì sao ạ?

- Cái đó tôi không biết đâu! (cười)

Cảm ơn những chia sẻ của ông!


Nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận & bé Đỗ Nhật Nam: “Chúng ta đều là  ngôi sao!”

Một thanh niên đánh đường tới Mỹ, thoạt tiên không có một từ tiếng Anh nào bỏ túi, ở thời điểm “thế giới quả là rộng lớn”, khi người ta còn viết cho nhau những lá thư tay.

Còn cậu bé, ngược lại, tới Mỹ với một lưng vốn tiếng Anh được mệnh danh là “thần đồng”, giữa thời đại “thế giới phẳng” chỉ sau một cú nhấp chuột.

Điểm chung duy nhất giữa họ là cậu bé ấy cũng từng ước trở thành một nhà thiên văn học, và chưa bao giờ đánh đồng khái niệm “ngôi sao” với người nổi tiếng…

Họ sẽ nói gì về bầu trời, vì sao, và những cánh bay?

Đọc thêm: Bé Đỗ Nhật Nam: “Trái đất như một hạt gạo”

 
Ý tưởng: Thủy Lê
Thực hiện: Thục Khôi – Hellos.
Nhiếp ảnh: Lê Lai (Lieta Studio)

 

Không có nhận xét nào: