Cho bé nghe nhạc gì?
Khi bé còn trong bụng mẹ
Một số nghiên cứu cho rằng thai nhi ngay từ khi còn trong bụng mẹ đã có thể cảm nhận được âm thanh từ bên ngoài. Một số bé khi nghe giai điệu nhẹ nhàng có phản ứng như thích chuyển động theo âm nhạc. Dù khoa học vẫn chưa khẳng định tuyệt đối rằng âm nhạc có ảnh hưởng tích cực thế nào tới bào thai, song nếu có điều kiện bạn vẫn nên cho thai nhi nghe nhạc đúng cách.
Không nên áp tai nghe trực tiếp vào bụng người mẹ, bởi các chuyên gia tin rằng nước ối có khả năng khuếch đại âm thanh. Lựa chọn tốt nhất là sử dụng loa ngoài. Mặt khác, khi người mẹ cảm thấy thoải mái, thư giãn thì điều này cũng tác động tốt tới thai nhi. Do đó bạn nên lựa chọn những thể loại nhạc nhẹ nhàng, dễ nghe mà mình yêu thích.
Trẻ mới sinh (1-12 tháng tuổi)
Âm nhạc giúp trẻ cảm thấy thoải mái, thư giãn và dễ đi vào giấc ngủ. Chính vì vậy mà bất kỳ nền văn hóa nào, từ ngàn xưa cho đến nay, vẫn luôn tồn tại những điệu hát ru truyền thống. Những bản nhạc này giúp trẻ tăng khả năng nhận biết thế giới xung quanh, từ đó giúp ích cho sự phát triển của não bộ. Ngoài ra, âm nhạc cũng là cách cha mẹ thể hiện sự quan tâm đối với trẻ, giúp trẻ cảm thấy an tâm và được yêu thương.
Với những bé mới sinh, bạn không nên bật những thể loại nhạc mạnh mẽ, ồn ào, thay vào đó là những bản nhạc nhẹ nhàng, chậm rãi như nhạc cổ điển với số lượng nhạc cụ vừa phải. Nhạc không lời, nhạc đồng quê hay pop-ballad êm dịu, du dương cũng là những lựa chọn phù hợp. Sẽ gần gũi và ấm ấp hơn nếu mẹ có thể hòa giọng cùng bản nhạc, hay ru con bằng những giai điệu dân gian quen thuộc.
Trẻ nhỏ (1-3 tuổi)
Ở lứa tuổi này bé đã bắt đầu trở nên hiếu động và có thể tự nhún nhảy theo điệu nhạc. Do vậy bạn có thể cho bé nghe những bản nhạc vui tươi, sôi động, kích thích sự vận động của não bộ và thể chất, đồng thời giúp cơ thể bé sản sinh các kháng thể một cách tự nhiên. Dĩ nhiên, sau một ngày chạy nhảy, bé vẫn cần thư giãn, nghỉ ngơi bằng những giai điệu nhẹ nhàng, chậm rãi.
Nên cho bé nghe nhiều loại nhạc đa dạng, điều này sẽ kích thích khả năng cảm nhận âm nhạc và biểu cảm của trẻ. Bạn sẽ nhận ra đây là một trong những giai đoạn vô cùng đáng yêu của con khi nhìn bé vừa nhảy vừa hát theo điệu nhạc. Song các chuyên gia cũng khuyên bạn hãy tránh xa các thể loại nhạc nặng như rock, metal hay rap; những giai điệu phức tạp và hỗn loạn sẽ ảnh hưởng tới não bộ của trẻ, bởi đây là độ tuổi trẻ trở nên nhạy cảm nhất với môi trường bên ngoài. Đừng quên nhạc cổ điển vẫn là một lựa chọn tối ưu, tuy nhiên đừng bắt trẻ phải nghe những bản giao hưởng quá dài (trên 5 phút).
Bé mẫu giáo (4 tuổi trở lên)
Đây là độ tuổi mà trẻ phát triển mạnh khả năng tư duy ngôn ngữ, do đó việc lựa chọn âm nhạc cho bé không chỉ phụ thuộc vào giai điệu mà cả ca từ nữa. Khuyến khích bé hát, nhảy và vỗ tay theo bản nhạc, điều này sẽ kích thích não bộ của bé liên tục làm việc, tiếp nhận và xử lý thông tin.
Giai đoạn này, bạn cũng có thể cho trẻ học chơi một số nhạc cụ - phần lớn những đứa trẻ biết chơi nhạc đều có khả năng tư duy nhạy bén. Nhưng lưu ý tôn trọng lựa chọn của con, chứ không nên bắt ép trẻ.
Trong vô số các loại nhạc cụ, piano là một lựa chọn được nhiều bố mẹ tin dùng hơn cả, bởi nó không đòi hỏi chuyển động ngón tay phức tạp như các nhạc cụ dây, hay thể lực như các loại kèn và trống.
Đây cũng là lứa tuổi mà bé bắt đầu hình thành sở thích âm nhạc riêng, nhằm khẳng định cái tôi của mình. Đừng bắt chúng phải nghe những loại nhạc do bạn chỉ định mà thay vào đó, hãy ngồi xuống cùng con và giúp chúng chọn ra những bản nhạc phù hợp nhất. Hãy cho bé quyền quyết định bằng những câu hỏi như "Hôm nay con muốn nghe nhạc gì?". Âm nhạc là món ăn tinh thần, do đó bạn cần tìm kiếm sự đa dạng, lựa chọn những bản nhạc thuộc nhiều thể loại của các nền văn hóa khác nhau, điều này sẽ làm đa dạng thế giới tinh thần của trẻ.
“Hiệu ứng Mozart”
Trong số các thiên tài âm nhạc thì các tác phẩm của W.A. Mozart được coi là gần gũi nhất với trẻ em. Nhà tâm lý học Frances Rauscher đưa ra giả thuyết "Hiệu ứng Mozart" cho rằng những bản nhạc cổ điển của Mozart sẽ tăng cường khả năng tập trung của bé, do vậy bé có thể giải quyết được những vấn đề phức tạp hơn, ví dụ như làm toán. Bằng nhiều thí nghiệm, Rauscher cho rằng những đứa trẻ được nghe các bản sonata piano của Mozart có kết quả kiểm tra chỉ số IQ tốt hơn. Một số nhà nghiên cứu thậm chí còn đưa ra kết luận rằng nghe nhạc cổ điển thường xuyên có thể làm tăng chỉ số IQ của trẻ tới 8-9 điểm.
Giả thuyết này chưa được khoa học chứng minh là đúng hay sai, bởi phạm vi nghiên cứu của nó hạn chế và thiếu cơ sở xác đáng. Tuy nhiên không thể phủ nhận nhạc cổ điển vẫn là thể loại nhạc tốt nhất cho trẻ em, đặc biệt là những bản nhạc êm dịu của các nhà soạn nhạc huyền thoại như Mozart, Chopin, hay một số tác phẩm của Beethoven, Schubert, Brahms, Bach.
Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ bằng cách cung cấp cho con những lựa chọn âm nhạc thông minh, bố mẹ đã giúp bé phát triển tư duy logic và khả năng cảm nhận thế giới của mình.
Không có nhận xét nào: