Câu chuyện về đạo đức
Minh chứng rõ rệt nhất là hành vi ăn thịt chó.
Có cả những thủ pháp thậm xưng đến bàng hoàng, ví dụ như “Họ ăn nhiều đến mức không có cơ hội để nhìn thấy chó mèo chạy ngoài đường” ...
Khi ấy lòng tự tôn dân tộc dâng trào, tôi chợt muốn gào lên rằng: “Hỡi cái ông nhà báo cà chớn kia, ông hãy đến ngay Việt Nam những ngày này để xem chúng tôi đang mùa bội thu đạo đức như thế nào”.
Chúng tôi đang cùng cực lên án những kẻ vô tâm chơi đùa trên tuyết mà không biết xót xa bò trâu chó ngựa chết vì lạnh, chúng tôi khinh bỉ những đứa mò vào toilet khi thế giới đang tiếc thương đau đáu sự ra đi của Paul Walker, chúng tôi nguyền rủa những kẻ thay mặt tòa án lên mạng “xử tử” những nghi can trong nhiều vụ án, chúng tôi căm thù bọn... gì nữa nhỉ?
Quan trọng hơn cả là chúng tôi dư thừa hàng triệu “cảnh vệ” đạo đức nhan nhản túc trực trên mạng để làm việc đó.
Trong giáo lý của vài tôn giáo lớn, chủ đề vấp ngã đạo đức hay được quan tâm soi xét. Dường như những soi xét ấy luôn được nhìn từ tình thương không ồn ào, đẫm tinh thần bao dung vị tha. Có lẽ do cẩn thận nên trong đó vấp ngã được chia ra thành nhiều mức độ. Là mong manh lầm lạc, sơ suất lỗi và nặng hơn là tội, ngay cả tội cũng phân tiếp có trọng có khinh.
Xã hội đạo đức đương thời dường như không tha thứ cho bất kể thể loại vấp ngã nào. Nó là trào lưu, là món nhậu quen miệng, là hít thở không khí, là xả thải... là vô cùng quan trọng.
Phạm đạo đức, người biết sám hối thường chân thành vật vã ăn năn một mình.
Cũng có nhiều trường hợp khó định dạng khác mỗi khi không có bài báo nào nhắc đến thì bèn đạo mạo chỉnh chu cùng ê kíp có trang điểm, có nhiếp ảnh gia, có stylist đi thăm trẻ em nghèo và người già vô gia cư. Nét mặt đau khổ của họ được nâng niu bắt dính khoảnh khắc từng khuôn hình, thể tích nước mắt tuôn rơi như mang trong mình những nỗi đau của cả nhận loại. Lạ một điều không hiểu bằng con đường nào những tấm hình mặn nước mắt ấy được hân hoan đăng tải trên trang nhất nhiều trang báo mạng.
Một đêm đáng nhớ cách đây xa xa, lần đầu tiên trên truyền hình xuất hiện dạng thực tế có cô bé diễn viên giản dị trong bồng bềnh váy thiên thanh, cô ngồi giữa bè bạn và cả những vị kịch sĩ nhân dân đáng kính mà khóc nức nở: "Mong các cô các chú cảm thông tha thứ, cháu chỉ phạm lỗi chứ không phạm tội”. Quá muộn bởi trước đó, cuộc đời cô đã được tòa án đạo đức mang tên cư dân mạng tuyên “tử hình” không cần sơ thẩm.
Màn hình lột tả một hiển nhiên nghẹn ngào sự thật đến như thế, chắc chắn cũng lại có không ít người lương thiện ngồi xem mà chợt thấy gờn gợn cảm xúc, như thể phân vân nên hay không nên mua cái can nhựa nhái hàng quốc doanh có nhiều gờ ba-via lem nhem. Làm cho một con trẻ không thêm ngoan có khi còn day dứt hơn làm cho nhiều người lớn bị hư.
Tôi có một kỷ niệm rất buồn khi đi dự lễ hiếu cha một người bạn, ông không nổi tiếng nhưng nhiều người biết đến như một người say đắm với nghề nghiệp gia truyền 3 đời sửa máy ảnh. Hôm đó tôi mặc chiếc áo khoác đỏ, đó là chiếc áo mang kỷ niệm cuối cùng của tôi với ông bởi nó được tôi mặc trong bộ phim tài liệu về ông khi hai bác cháu có vài cảnh quay với nhau.
Tối hôm đấy, trên mạng có ảnh tôi do một nhiếp ảnh gia quen biết đăng tải, chú thích nôm na rằng: "Không thể hiểu nổi cái loại văn hóa gì đi đám ma mặc áo đỏ”.
Diễn giải một sự thật luôn là việc cực khó.
Diễn giải một hành vi đạo đức là việc cực dễ... nhất là trên mạng internet.
Và tôi luôn tự nhủ rằng thời buổi này dường như chúng ta ai cũng đều là một nạn nhân dự bị theo quy chuẩn đạo đức của mạng xã hội.
Không biết nên vui hay buồn nữa?!?
Bài: Cu Trí
Không có nhận xét nào: