Nguyễn Cường: “Có một thời kỳ chúng ta không hướng ra biển”
- Ông mới cho ra mắt một tác phẩm đồ sộ “Đà Giang đại hợp xướng”. Ông đã mất bao thời gian để viết nó?
- Tôi mất khoảng một năm để tìm hiểu và viết, thêm 3 tháng dàn dựng và phối khí, nhưng vẫn chỉ là bản demo. Tác phẩm này cần phải có đời sống của nó nữa.
- Với một dòng sông đã đi vào nhiều tác phẩm của thi nhân, nhạc sĩ như Sông Đà, khi làm “Đà Giang đại hợp xướng”, ông có áp lực thế nào?
- Càng áp lực tôi càng thích, vì tôi muốn xem mình vượt qua những áp lực đó thế nào. Nhưng áp lực của người đi trước là rất nhỏ, bởi tôi có một áp lực lớn hơn, áp lực của một đại hợp xướng về một dòng sông khác – sông Hoàng Hà: “Hoàng Hà đại hợp xướng”. ‘Hoàng Hà đại hợp xướng” – niềm tự hào của âm nhạc Trung Hoa”, điều này bạn dễ dàng tìm thấy thông qua chức năng tìm kiếm trên internet. Thú thực, từ cách đây 40 năm, khi “Hoàng Hà đại hợp xướng” ra đời, một chàng trai ngoài 20 là tôi khi đó mê lắm. Nên khi viết xong tác phẩm “Đà Giang đại hợp xướng”, tôi tự hỏi mình có đủ ngạo mạn không, tôi nghĩ điều này tác phẩm tự trả lời, và người nghe sẽ trả lời.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường trên Sông Đà
- Có rất nhiều bạn bè của ông hôm nay đã chia sẻ rằng, Đà Giang hùng vĩ thuở nào có lẽ chỉ còn trong tiềm thức, trong thơ văn, còn Sông Đà ngày nay đã trở thành những hồ lớn vì thủy điện. Ông viết tác phẩm về dòng sông này, hẳn ông nhìn rõ điều ấy?!
- Tôi không bàn chuyện Sông Đà còn hay không sự hùng vĩ, bởi tôi vẫn muốn vẽ lên một sự hùng vĩ khác của con người và dòng sông này trong trái tim của người Việt. Đó là một dòng chảy khao khát xây dựng những thành phố mơ cùng sông Đà. Tôi đang mơ về một sông Đà như thế, và những con người khao khát như thế bên hai bờ sông. “Ta xây thành phố mơ cùng sông Đà” – là lời tôi dành để kết thúc bản đại hợp xướng của mình. Tôi muốn nói về một khát vọng. Sự hùng vĩ đó phải biến thành những khát vọng.
- Chúng ta sinh ra bên những dòng sông, và Việt Nam là đất nước của sông, của biển, nhưng đến nay chưa có một tác phẩm âm nhạc nào xứng tầm. Ông chia sẻ thế nào?
- Tổ tiên của nhân loại đều sinh ra bên những dòng sông. Đặc biệt người Việt, một dân tộc của nền văn minh lúa nước, thì hầu như tất cả các dòng sông đều là Mẹ. Chúng ta có sông Hồng (gọi là sông Cái), sông Mekong (là sông Mẹ). Tôi đã viết nhiều ca khúc về dòng sông, nhưng đây là lần đầu tiên tôi viết đại hợp xướng về một dòng sông. Tôi cũng đã nghĩ về điều này, tại sao chưa có dòng sông nào ở Việt Nam có một bản hợp xướng riêng. Điều quan trọng không phải hay hoặc dở, điều quan trọng là chưa có. Và tôi đã viết. Cũng như vậy, tôi đang nung nấu viết được một hợp xướng về biển, và tôi sẽ gọi nó là: “Hợp xướng biển”.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường tại buổi họp báo giới thiệu tác phẩm "Đà Giang đại hợp xướng"
- Việc chúng ta chưa có những trường ca hoặc những bản đại hợp xướng xứng đáng với tầm vóc của những dòng sông, có gì giống và khác nhau với việc chúng ta là đất nước của biển, nhưng chưa có ý thức trọn vẹn về điều này, từ trong tâm thức?
- Là dân tộc biển, nhưng có một thời kỳ chúng ta không hướng ra biển. Chúng ta chủ trương “trọng nông ức thương” – một thái độ quay vào bờ. Đó là điều đáng tiếc. Và đến bây giờ, khi nhìn ra giá trị đó, thì chúng ta phải đối diện với bao nguy nan. Nhưng không bao giờ là quá muộn.
- Nếu những dòng sông đã cho chúng ta một nền văn minh lúa nước, thì theo ông, biển cho người Việt những gì?
- Có lẽ biển cho ta nhiều thứ và người ta thường ví “rừng vàng biển bạc” – Vật chất, tài nguyên rất quý, nhưng biển còn cho ta một thứ mà không điều gì có thể cho ta được, những đất nước không có biển không bao giờ có nổi, đó là “một tâm hồn đại dương”. Con người ta có một khát khao rất lớn, muốn được bay lên, muốn khát khao không ngừng, và biển cho ta điều đó.
Năm 2012 tôi đi Hoàng Sa, Trường Sa, tôi đã viết mấy ca khúc về biển, trong đó có bài “Trống quân lính biển” – trong đó có câu hát: “Trống quân vốn ở đất liền/Anh mang ra biển giao duyên với nàng”. Tôi cho rằng, nếu đổi sự say sóng thì ta sẽ thấy được sự bao la của biển. Và cái gì cũng có giá của nó.
- Ông thường viết các ca khúc về núi rừng Tây Nguyên, vậy một tâm hồn núi rừng có khác gì khi tâm hồn ấy hướng ra biển?
- Tất cả chỉ là một mà thôi. Tôi chỉ có một tâm hồn được nuôi dưỡng từ tất cả những điều đó. Giống như rượu, nếu chỉ có một thứ rượu quốc lủi, nhưng thứ rượu đó được rót ra ở cốc nào, được ăn với món đồ nào sẽ có dáng vẻ khác, vị khác. Nên tôi nghĩ khi nghe các bài hát về Tây Nguyên hay nghe các bài ca về biển, và cả bản đại hợp xướng này, thì vẫn chỉ là tâm hồn tôi – một tâm hồn Nguyễn Cường.
- Cảm ơn những chia sẻ của ông!
"Đà Giang đại hợp xướng" gồm có 4 chương:
Chương 1: "Đà Giang Bi Vang Thàng Động" nói lên gốc tích của người Mường.
Chương 2: "Thuyền du bến nước sông trăng" với 4 câu thơ: "Đà Giang ai vặn một dòng xanh/Thi nhân lênh đênh một ánh tình/Thuyền dâng bến không, chén say ngập gió/Nẻo xa hư thực, trăng nước liêu trai" được triển khai thành một chương.
Chương 3: "Đường lên Tây Bắc" nói lên những đóng góp của Hòa Bình trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và hành trình giữ nước.
Chương 4: "Ta xây thành phố mơ cùng sông Đà", là ước vọng của con người bên một dòng sông, ước vọng về sự dựng xây đất nước.
Toàn bộ 4 chương này viết trên giai điệu chủ đạo của cồng Mường là Bình, Boong, Bính, Khẳm. Điều đặc biệt là 4 nốt này được hát bằng ngôn ngữ hợp xướng để tạo âm thanh và hình ảnh chứ không dùng chiêng.
Bài: Thục Khôi
Ảnh: Quang Đức
Không có nhận xét nào: