The Conjuring 2: Ấn tượng đâu chỉ mỗi chuyện ma ám
Vụ án tâm linh được dùng trong “The Conjuring 2” dựa trên câu chuyện có thật về gia đình Hodgson vào năm 1977. Nó từng khiến cả nước Anh xôn xao và nhiều nhà ngoại cảm, tâm linh lao vào nghiên cứu. Hàng ngàn tài liệu được thu thập từ các bức ảnh cô bé Janet bị bẻ cong người giữa không trung, dính trên trần nhà lúc nửa đêm đến những đoạn ghi âm giọng nói rên rỉ, lạnh lẽo của con ma tên Bill. Và sau 40 năm, khi nhắc lại chuỗi kí ức đã qua, Janet vẫn còn vẹn nguyên những hoảng hốt.
Đạo diễn James Wan đã khắc họa tài tình những tư liệu đó lên phim, để mỗi chi tiết trong “The Conjuring 2” đều sát với sự thật nhất có thể. Và James cũng đã không đi vào vết đổ của các phim ma kinh điển như dọa người bằng những gương mặt nhơ nhuốt hay lạm dụng quá đà những tình huống bất ngờ. Ông để mọi thứ chậm rãi, bắt đầu từ tiếng ai văng vẳng trong phòng ngủ, chiếc xích đu đung đưa trong đêm đến chiếc xe lửa đồ chơi tự động bật sáng đèn chạy… James chừa một khoảng trống để khán giả hồi hộp, để tự bản thân mỗi người vẽ ra một con ma trước khi nó xuất hiện trên màn ảnh.
Nhưng điều khiến người ta hoảng loạn hơn hết là thế lực bóng tối trong “The Conjuring 2” thật sự đáng sợ. Nó chẳng kiêng dè nhập vào Janet lúc đông người rồi ngang nhiên trả lời những câu hỏi. Nó cũng không ngại ngần biểu lộ “Ta đang ở đây” lúc đương ban ngày hay giảm nhẹ hành động khi thánh giá treo đầy phòng. Nói theo cách của James: “Điều đáng sợ nhất không chỉ có khi màn đêm buông xuống”
Sau “Saw”, “Insidious”, “The Conjuring 1”, James Wan đã chứng minh tài năng của mình trong lĩnh vực phim ma, kinh dị. Nhưng bỏ ngoài những ám ánh của một câu chuyện có thật nổi tiếng, lần này, phần tiếp theo của “The Conjuring” thành công hơn bởi nội dung không đơn thuần xoay quanh về một ngôi nhà bị ma ám.
“The Conjuring 2” chạm đến trái tim khán giả khi mở đầu câu chuyện bằng cuộc sống hàng ngày của một bà mẹ đơn thân. Đó là lúc Peggy Hodgson nhận tin trường thông báo cô con gái 11 tuổi Janet hút thuốc, nhà thì hết sạch tiền còn cậu con trai cứ lục tủ và liên mồm đòi bánh quy. Bà lớn tiếng, bà giận dữ, bà cảm thấy bất lực khi mọi thứ dường như trở nên hỗn loạn. Và cái khoảnh khắc Margaret - cô con gái lớn vùng vẫy bỏ lên lầu lúc không khí trong nhà đang nóng dần lên với những màn ầm ĩ, hẳn không ít người nhìn thấy chính mình trong đó. Đây là những hình ảnh rất đời thường, nó không chỉ diễn ra ở ngôi nhà của bà Hodgson tận trời Tây mà còn ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Hôn nhân tan vỡ là chuyện ngoài ý muốn, trở thành bà mẹ đơn thân cũng là bất đắt dĩ. Ngoài gánh nặng cơm áo gạo tiền nè nặng trên vai, bà còn đảm nhiệm thêm vai trò của người bố, dạy dỗ cả bốn đứa con trưởng thành. Những điều đó không chỉ gói gọn trong từ "khó khăn" là có thể diễn tả được. Nhưng bản năng của một người mẹ, chỉ cho phép bản thân tiến lên phía trước chứ không được bước lùi. Không ít người mỉm cười, khi màn ảnh hiện lên cảnh cậu bé reo mừng vì mẹ mua cho mấy cái bánh quy con con. Cậu bé ngây thơ hỏi: “Mẹ bảo hết tiền còn bánh ở đâu ra?”. Bà chỉ đáp: “Mẹ cũng nên ngưng hút thuốc rồi”. Peggy Hodgson đã lựa chọn nhịn niềm vui của mình, để chiều sở thích của con. Nhưng điều không phải ai cũng hiểu thấu rằng những áp lực vô hình bà đang mang là chuyện khó giãi bày bằng lời, cũng chẳng thể ủi an bằng vài cái ôm. Bà nương nhờ những cái rít thuốc để xoa dịu nỗi đau mình đang chịu, cách để lòng mình an yên được đôi chút hay nói cách khác, đó là thứ để bà bám víu để có thể đương đầu với nghịch cảnh. Nhưng bà chấp nhận bỏ cái khoảng khắc mình được cứu vớt giữa những bồn bề để đổi lấy nụ cười của con.
Và điều không tưởng nhất trong cuộc đời của Peggy hẳn là chuyện Janet bị ma nhập. Khi chuyển mấy đứa con còn lại sang nhà hàng xóm, bà vẫn lựa chọn ở lại cùng Janet trong căn nhà bị ma ám. Peggy chỉ là một con người bình thường, cũng chết lặng khi thấy đồ đạc trong nhà dịch chuyển, khóc hét khi con ma ám vào Janet. Nhưng trên cả nỗi sợ hãi, bà vẫn là một bà mẹ và bất kỳ bà mẹ nào cũng yêu thương con vô điều kiện. Dù có thể nửa đêm Janet sẽ đổi màu mắt, nhe răng nói giọng kì lạ, trở nên điên loạn hay hất tung đồ đạc trong phòng. Nhưng trước khi ngủ, Peggy vẫn dịu dàng hôn lên trán cô bé, vẫn để con nằm trong vòng tay mình, vẫn âu yếm nói mẹ ở ngay đây, cạnh con.
Ngay cả khi Janet bị hồn ma ông già mù bắt sang phòng bên cạnh, bà vẫn không sợ hãi khi nhìn gương mặt kinh tởm của Bill sượt qua khe hở, điều bà quan tâm là con gái bà – Janet đang ở bên trong. Cả cái thời điểm Janet thật sự cố giết em trai mình, bà vẫn lao vào phòng bếp cứu những đứa con rồi đẩy chúng ra nơi an toàn. Sau đó, Peggy vẫn cố quay lại chỉ vì “Janet còn ở trong đó” rồi lao vào căn nhà mà tất cả mọi người đều cố gắng thoát ra. Nhưng cánh cửa đóng sập lại, bà đứng bên ngoài gào khóc đầy bất lực…
Không ai có quyền trách Peggy khi bà chọn trốn chạy để bảo vệ tính mạng mình. Cũng không ai chỉ trích khi bà bỏ mặc cô con gái bị ma ám để giữ an toàn cho ba đứa con còn lại. Peggy đã có thể sống dễ dàng hơn nếu như lựa từ bỏ, mặc kệ Janet bị hồn ma của Bill kiểm soát hành hạ. Nhưng bà đã làm điều ngược lại và đó là điều mà ngay khi câu chuyện đầy ám ảnh kết thúc, “The Conjuring 2” vẫn còn cái để đọng lại trong lòng khán giả ngoài những màn rùng rợn trên phim.
Cám ơn James Wan đã cho công chúng một bộ phim ma, kinh dị đủ đầy những cung bậc cảm xúc và điều quan trọng "The Conjuring" còn có thể chạm đến trái tim khán giả bằng những tình cảm chân thành nhất.
Bài: Mỹ Khánh
Ảnh: Instagram
Không có nhận xét nào: