Thời trang

[thoi trang][bleft]

Làm đẹp

[lam dep][grids]

Nội trợ

[noi tro][bleft]

Tâm sự

[tam su][twoclumns]
Được tạo bởi Blogger.

Nhà báo Lê Bình: Còn một Trung Đông khác!

 

Hai nhà báo nữ tới Trung Đông

“Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ” - dù chủ nhân giải thưởng Nobel Văn học 2015 Svetlana Aleksievich nói thế (đúng hơn là ước thế), thì chiến tranh vẫn có khuôn mặt phụ nữ, ở góc này hay góc khác. Nên ít nhất, có hai người phụ nữ Việt: 1 nhà báo và 1 “cựu nhà báo” đã đặt chân tới một phần của Trung Đông, nơi bản tin thời sự lắm lúc cũng đồng thời là bản tin chiến sự.

Cùng một điểm đến, nhưng lộ trình và mục đích của họ hoàn toàn khác nhau: Nếu như lựa chọn của nhà báo Lê Bình cùng cộng sự của chị ở Trung tâm Tin tức VTV24 (trong vòng 12 ngày tại các trại tị nạn thuộc biên giới Syria - Liban, Hy Lạp – Macedonia) là xoáy vào một điểm nhấn đặc biệt trong lịch sử xung đột đã làm nên cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử loài người kể từ sau Thế chiến II, thì lộ trình của Tiến sĩ/“cựu nhà báo” Phương Mai (trong vòng 8 tháng tại 13 nước Trung Đông, khi nơi đây vẫn đang nghi ngút khói lửa chiến tranh hậu Mùa xuân Ả Rập) lại là lần theo một dải văn minh kéo dài suốt mấy thế kỷ.

Những trải nghiệm dũng cảm cuối cùng cũng đã mang tới cho họ “khúc khải hoàn”: Chương trình “Tạp chí Kinh tế cuối năm” cùng bộ phim tài liệu “Hành trình của sự sống và cái chết” (phát sóng cuối năm 2015 và đầu năm 2016) đã được coi là một chương trình truyền hình gây ấn tượng mạnh; còn “Con đường Hồi giáo” của Phương Mai (riêng dành 16 kỳ trên Đẹp trước khi xuất bản thành sách, năm 2014) thì được cho là một cuốn du ký đáng đọc, thuộc hàng của hiếm.

Những chuyến đi và thành quả là mơ ước với bất kỳ nhà báo nào còn tâm huyết với nghề…

Đọc thêm:  Tiến sĩ Phương Mai: Không nội chiến khéo cũng… nghiện Facebook!

“Tôi không đến Trung Đông để người ta biết tôi là Lê Bình”

- Có nhất thiết phải là một chuyến đi mạo hiểm đến thế không, khi nó chỉ chiếm một hàm lượng không quá lớn trong chương trình “Tạp chí Kinh tế cuối năm”, và bản thân nhà đài cũng đã sẵn có một kho tư liệu đầy ắp về nó?

- “Tôi là Lê Bình, trong hành trình của sự sống và cái chết…” - thật ra trước khi thốt lên câu đó, tôi chưa hẳn đã đến Trung Đông trong một tâm thế đó. Tôi đã từng không định đến Trung Đông với những câu hỏi về thân phận, đúng hơn là không quá nghĩ nhiều về nó. Là một nhà báo kinh tế, với mục đích ban đầu là thực hiện chương trình “Tạp chí Kinh tế cuối năm”, điều cốt yếu chúng tôi muốn mổ xẻ là: 2015 là năm chứng kiến cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử loài người kể từ sau Thế chiến II, và cũng là đỉnh điểm căng thẳng khủng bố và nội chiến… - đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu. Nếu bạn đồng ý với tôi rằng, truyền hình, bất luận ở thể loại nào, vẫn cùng chung một giá trị cốt yếu là cảm xúc, thì không có cuộn băng tư liệu nào có thể thay thế hiện trường mà bạn được trực tiếp trải nghiệm cả.

- Tiến sĩ Phương Mai, trong cuốn sách “Con đường Hồi giáo” của mình đã cho biết rằng, lộ trình mà cô ấy chọn khi khám phá Trung Đông là bắt đầu từ nơi Hồi giáo khởi phát đến lần lượt những thành phố mà các chiến binh Hồi giáo đã chiếm được. Tất nhiên là cô ấy - một kẻ độc thân vui tính, đã có tới 8 tháng bỏ việc để làm việc đó. Còn chị, thì sao?

- Những mục đích khác nhau có thể cần tới những con đường khác nhau. Và đúng, thay vì 8 tháng, chúng tôi chỉ có vỏn vẹn 12 ngày. 12 ngày chỉ đủ cho chúng tôi có mặt tại các trại tị nạn thuộc biên giới Syria - Liban, Hy Lạp - Macedonia, cố lần tìm, kết nối điểm đầu và điểm cuối trên hành trình đi tìm đất sống của những con người tha hương tị nạn. Chính tại đó, tôi đã nghĩ nhiều và sâu hơn về hai chữ “thân phận”. Ý tưởng thực hiện bộ phim tài liệu “Hành trình của sự sống và cái chết” đến lúc đó mới thực sự hình thành.

- Trong bộ phim, chị nói rằng ám ảnh chị là những đôi mắt ngây thơ của những em bé tha hương. Còn tôi lại khá ấn tượng ánh mắt của chị, trong vai trò người dẫn chuyện: vừa am tường vừa ngơ ngác. Trung Đông khắc nghiệt đã biến một Lê Bình sắc sảo thành ngơ ngác chăng?

- Truyền hình là thế, bạn có thể giấu đi một vài thứ trong khuôn hình của bạn, nhưng trong đôi mắt bạn, thì không. Một người dẫn chuyện đương nhiên không thể nhỏ nước mắt nhân tạo như một diễn viên rồi đứng vào khuôn hình và diễn. Bạn có thể làm gì khác được ngoài ánh mắt giận dữ và cảm thông trước những điều bạn có thể hiểu hoặc không tài nào hiểu nổi, và những câu hỏi: “Bạo lực sinh ra từ đâu? Bạo lực có thể giết chết bạo lực?”… Để đến nỗi, những ánh mắt con trẻ cũng mang đậm nỗi buồn nhân thế, dù trên môi chúng vẫn là những câu hát buồn thắt ruột: “Thiên đường, thiên đường, thiên đường. Quê hương em là thiên đường…”
 
- Nếu đôi mắt là thứ cần đặc tả trong một khuôn hình thì tại sao chị lại không chọn cho mình một chiếc khăn trùm đầu nhỉ? Phương Mai, tôi nhớ là cô ấy đã từng thử qua cảm giác ấy, và những dòng viết đó thật sự thú vị...

- Phương Mai, tôi nghĩ cô ấy thích soi chiếu hiện thực từ góc nhìn văn hóa. Còn tôi là một nhà báo, nên tôi muốn đến Trung Đông, muốn đứng vào khuôn hình bằng bộ quần áo của tôi, khuôn mặt thật của tôi. Tôi muốn chạm vào sự thật bằng chính vẻ ngoài thật nhất của mình, trong tư cách một người kể chuyện khách quan, không so sánh, không bình luận, không phán xét, chỉ đơn giản là một người chứng kiến đang cố gắng kể lại toàn bộ sự việc.

- Trung Đông, nơi bản tin thời sự cũng đồng thời là bản tin… chiến sự, là nơi mà Phương Mai từng giễu rằng: “Một nhà báo bất thần buổi sáng thức dậy thấy mình ở Trung Đông sẽ hỏi: Đêm qua có nổi dậy không? Có đánh bom cảm tử không? Có ai lật đổ chính quyền không? Có ai bị ném đá hay treo cổ không? Không có à? Chán nhỉ!”. Trong 12 ngày ở Trung Đông, chị đã bao giờ hỏi thế?

- Nếu đã rơi nước mắt ở Trung Đông, và đứng trước những đôi mắt trẻ thơ mang đậm “nỗi sầu nhân thế” như tôi đã nói, bạn nghĩ, bạn có thể nào mong đợi những điều đó không? Tôi không đến Trung Đông để người ta biết tôi là Lê Bình, tôi đến Trung Đông vì những phận người mà họ chỉ cần được ăn nóng uống sôi thôi cũng đã là hạnh phúc; hay một gia đình có tới 12 nhân khẩu, mà chỉ có đúng 3 củ khoai tây cho bữa tối, không hơn; còn những đôi má trẻ thơ thì cháy hồng lên vì lạnh, vì bị đánh thức đường đột… Tôi đến, vì không muốn chương trình “Tạp chí Kinh tế cuối năm” mà tôi vô cùng chăm chút chỉ đơn thuần là những con số lạnh lùng vô cảm. Tôi đến, không mong mình bị ám ảnh, nhưng thực sự là đã bị ám ảnh…

Có thể không cần biết ai sướng hơn mình, nhưng luôn cần biết ai khổ hơn mình

- Đôi khi chúng ta cảm thấy vui hơn khi biết được rằng ở đâu đó có một ai đó… khổ hơn mình. Cảm giác đó từng khiến tôi thấy xấu hổ. Chị thấy là cần thiết sao?

- Tôi lại cho rằng đó là một cảm giác tốt đẹp. Có thể không cần biết ai sướng hơn mình, nhưng luôn luôn cần biết tới những ai khổ hơn mình. Nó sẽ khiến bạn cảm thấy được an ủi hơn, và từ đó bớt “tham sân si” hơn, dễ bằng lòng hơn với những gì mình đang có. Nhiều người trở nên tồi tệ đi cũng vì ham muốn. Biết bao cuộc chiến tranh bị bấm nút cũng chỉ vì ham muốn. “Hành trình của sự sống và cái chết”, khi về đến Việt Nam, là để nói với các bạn một điều trên hết và trước hết: Hãy biết trân trọng hơn mỗi khoảnh khắc sống quý giá của bạn, ở một nơi ít ra bạn không bị đánh thức bởi những tiếng bom.

- “Trước mỗi lần lên đường, tôi cố gắng trút bỏ mọi định kiến, mọi hình dung. Tôi dốc cạn để đầu óc trỗng rỗng, không mong chờ, không phán đoán. Và lên đường như một tờ giấy trắng, với niềm khát khao được phủ kín, được lấp đầy, được đổi thay” – Phương Mai đã tới Trung Đông trong một tâm thế như vậy. Còn chị, chị có mang theo tờ giấy trắng nào không?

- Tôi, trái lại, lại lên đường với một tờ giấy có chi chít gạch đầu dòng. Nhưng, như đã nói, nhiều gạch đầu dòng trong số đó đã bị xóa đi, và thay thế bằng những gạch đầu dòng khác. Nếu như Phương Mai chủ động xóa đi những “dòng chữ” từng có trên trang giấy, trước khi đến đấy, thì tờ giấy của tôi hẳn là đã bị khách quan xóa đi nhiều dòng, sau khi tôi đặt chân đến đấy. Hai góc nhìn khác nhau, nhưng đều chân thực. Và có như thế thì mới đầy đủ là Trung Đông!

- Cảm giác của chị, khi đứng trên những bãi biển chất đầy áo phao – dấu vết của những cuộc vượt biển phải trả giá bằng không ít mạng người vô tội?

- Tôi cảm thấy xót xa và bất lực. Cái bất lực của một người đến muộn. Dù sớm hay muộn thì cũng vô nghĩa như nhau cả thôi.

- Còn những bãi biển đầy rác trong chương trình “Hãy làm sạch biển” vừa qua thì sao? Từ “hãy” có hàm chứa phần nào hy vọng?

- Có chứ! Dù sao tôi vẫn còn hy vọng. Nhiều vùng biển, bãi biển ở Việt Nam đang ô nhiễm, nhưng vẫn còn có thể làm được nhiều điều tốt đẹp hơn cho nó. Vẫn còn kịp, tôi tin là thế. Bằng chứng là hàng nghìn người đã lên tiếng ủng hộ chiến dịch của chúng tôi và trực tiếp xắn tay cùng dọn sạch các bãi biển trên quê hương họ.

- Vậy còn những ống xả thải ngầm? Chị có dễ lạc quan quá không?

- “Hãy làm sạch biển” không chỉ là câu chuyện của những người nhặt rác. Mỗi tình nguyện viên của chúng tôi sẽ là một người giám sát, cung cấp thông tin cho chúng tôi xem ai là thủ phạm. Họ sẽ giúp chúng tôi tìm bằng chứng và cùng chúng tôi lên tiếng phản đối những hành vi thiếu ý thức, tạo áp lực cho các cơ quan chức năng để sớm lôi những kẻ đó ra ánh sáng. Song song, là phản ánh những chính sách chưa phù hợp để nó trở nên có hiệu lực và có chế tài đủ mạnh... Nhưng nói gì thì nói, cũng cần phải có bằng chứng. Nhà báo không thể nào đưa ra những phán xét suông, hay những nhận xét kiểu “thầy bói xem voi” được. Phải xóa bỏ những định kiến mặc định sẵn trong đầu thì ngòi bút hay ống kính của bạn mới trở nên khách quan được.

- “Em chỉ là một em bé, nhưng hãy lắng nghe em” - một em bé Trung Đông đã hát thế, trong phóng sự của chị. Có lúc nào vì những vướng víu này kia, mà chị cũng có một cảm giác tương tự thế: “Tôi chỉ là một nhà báo, nhưng hãy lắng nghe tôi”?

- Đó là một tiếng khóc đáng thương và bất lực, trong một hoàn cảnh không tìm ra lối thoát. Nhưng tôi, và những đồng nghiệp của tôi thì phải khác chứ! Ít nhất thì trong tay chúng tôi cũng có một công cụ. Tôi là nhà báo, nhưng nếu tôi không nói ra những điều khách quan trung thực thì cũng chẳng ai buồn nghe tôi, có van xin kêu gọi cũng bằng thừa... Để được lắng nghe, bạn là ai không quan trọng bằng việc bạn nói gì và với thái độ thế nào.

“Trung Đông” trên FaceBook

- Chị còn muốn quay lại Trung Đông không? Nếu có cơ hội, câu chuyện tiếp theo chị muốn kể là gì?

- Tôi muốn nhìn Trung Đông từ bên trong. Muốn đi sâu vào lòng Trung Đông để tìm kiếm những thân phận, những góc nhìn từ bên trong cuộc chiến, mà phải chính người dân, chính quyền ở đấy họ mới cảm nhận hết được…

- “Trở về nguyên si một mảnh, đừng có sứt mẻ gì nhé!” – Ông sếp Tây của Phương Mai đã tiễn cô ấy lên đường tới Trung Đông bằng một “câu dọa dẫm” như vậy. Chị đã trở về nguyên si, và vẫn muốn quay lại?

- Tôi không đi Trung Đông với một lời nhắc nhở như thế. Nhưng khi tôi trở về, bạn bè và gia đình tôi đều hỏi: “Thế mà vẫn còn về được à?”. Lần tiếp, chắc phải được bảo vệ tốt hơn thì tôi mới đi.

- Trung Đông - nơi có không ít những đứa trẻ thiếu bố thiếu mẹ vì tên rơi đạn lạc. Nhưng chị có nghĩ, ngay chính ở ta, giữa thời bình này, cũng có không ít đứa trẻ thiếu bố thiếu mẹ, vì những ông bố bà mẹ tham công tiếc việc, ham danh vọng hay khát tiền tài?

- Trẻ con lẽ ra không nên sống thiếu bố mẹ. Dù thật ra, tôi cũng chính xác là một người tham công tiếc việc, trong đầu đôi khi chỉ có công việc. Ngay cả chuyến đi Trung Đông, cũng cần tạm quên đi gia đình mới có đủ dũng khí lên đường. Bạn biết không, nhà tôi sống theo kiểu tam đại đồng đường. Khung cảnh yên vui nhất là những buổi tối cuối tuần, ông bà ngồi xem các con và cháu chơi cá ngựa, hơn thua nhau từng nước đi, thậm chí tôi còn dùng tiểu xảo để xui các con “chống lại” bố và mỗi lần “đối phương sập bẫy”, lại vang lên những tiếng cười lanh lảnh. Thế cơ mà! Nhưng đi thì vẫn cứ phải đi. Đành chỉ biết tự “biện hộ”: Thật ra, đâu cứ phải ôm con, gần con suốt ngày thì mới là thương con. Đó đôi lúc có thể chỉ là một phút ôm con, khiến con cảm thấy nó được yêu thương vô cùng, hay chỉ là một cái hôn vội vàng trước khi đi công tác. Đúng là con tôi có phần thiệt thòi hơn con người khác nhưng tôi tin là con hiểu, thông cảm cho tôi và phần nào cảm nhận được sự hy sinh mà tôi dành cho con.

- Một clip gần đây tôi được xem đã khiến tôi bị ám ảnh: Một người mẹ trẻ trong lúc dẫn con đi dạo, chỉ vì một phút mải selfie mà đã để con thiệt mạng vì bị xe tông. Đâu phải Trung Đông, chỉ là… smartphone thôi đấy!

- Đúng là trong thời đại smartphone này không hiếm những đứa trẻ thậm chí thiếu bố mẹ ngay cả khi bố mẹ đang ngồi ngay trước mặt chúng. Thú thực là tôi cũng đã từng để con “thiếu mẹ” như vậy, vì có những việc cơ quan vẫn cứ theo về nhà. Hay đơn giản, chỉ vì mải vui trên Facebook. Quả là có một “Trung Đông” như vậy trong cái “quốc gia đông dân nhất thế giới” này. Một “Trung Đông” không bom đạn, nhưng vẫn khiến bao đứa con thiếu bố thiếu mẹ chỉ vì Facebook – một “cuộc chiến” chỉ có thể chống lại bằng chính chúng ta mà thôi.

- “Trung Đông” trên Facebook mà không có tên rơi đạn lạc ư, chị có nhầm không? Chính chị cũng từng “dính đạn” còn gì!

- Mạng xã hội quả là một “ống xả thải” có thể biến mọi thứ trở thành cực đoan, tốt cũng tốt đến cực đoan, mà xấu cũng vậy. Thế nên, đôi khi những lời khen trên đấy chính là một thứ “tên bay đạn lạc” vậy, và không phải ai cũng biết đường mà cảnh giác. Tôi thì có cả tốt lẫn xấu nên có gặp “tên bay đạn lạc” cũng là lẽ bình thường. Chỉ e là đến một lúc nào đó, lòng người cũng có thể bị “sa mạc hóa” vì những tội ác mang tên lẽ phải, núp bóng đạo đức và khoác áo chân lý. “Trung Đông” không tiếng súng, nhưng lại vẫn có thể “giết người” một cách vô thức, vì những trận “ném đá tập thể”, những ảo tưởng quyền lực… Ngoài đời người ta có thể chấp nhau một cái “nhìn đểu” thế nào thì trên thế giới ảo, người ta cũng có thể chấp nhặt nhau từng câu nói, y như vậy!

- Lại vẫn là những “bãi biển” đầy rác?

- Chính xác. Nên, nếu không lo nhặt rác và kiềm chế ham muốn xả rác, thì đến một lúc nào đó, chính tâm hồn ta cũng đầy rác vậy!

- “Tôi là Lê Bình, trong hành trình của sự sống và cái chết” có gì khác với “Tôi là Lê Bình, trong hành trình… nhặt rác”?

- Có gì khác đâu, vẫn là tôi thôi mà! Một người kể chuyện.

 

 
Thực hiện: Thư Quỳnh
Nhiếp ảnh: Hellos. & Tư liệu của tác giả

Không có nhận xét nào: