Vận động viên Nhữ Thị Khoa: “Mẹ mà ngã quỵ thì ai lo cho con?”
Đạt 16 huy chương vàng tại các kỳ PARA Games, vận động viên Nhữ Thị Khoa từng được mệnh danh là “cô gái vàng” của thể thao người khuyết tật Việt Nam. Khép lại sự nghiệp thi đấu rực rỡ bằng niềm vui hạ sinh con gái đầu lòng Yến Chi (năm 2006), tưởng rằng từ đây chị Khoa sẽ có được cuộc sống ấm êm. Vậy mà số phận dường như vẫn còn muốn thử thách người phụ nữ kiên cường ấy.
Khi Yến Chi bước sang tuổi thứ 8, cũng là lúc chị hay tin con gái mắc chứng rối loạn sinh tủy, một căn bệnh ác tính dễ tiến triển thành ung thư bạch cầu cấp. Nhìn con gái ngày càng xanh xao vì cơ thể suy giảm mạnh khả năng tạo máu, chị nỗ lực tìm tất cả phương cách mong giúp Yến Chi duy trì sức khỏe.
“Con mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng, lúc điều trị, chữa bệnh luôn luôn cần đến mẹ. Phải cố gắng lên thôi. Mẹ mà quỵ thì ai là người đứng lên lo cho con bây giờ”. Chút sẻ chia nhỏ cũng đủ để hiểu vì sao cái tên vận động viên Nhữ Thị Khoa có thể vượt bao khó khăn, nhiều năm liên tiếp mang vinh quang về cho thể thao Việt Nam.
- Dừng sự nghiệp thi đấu để chăm lo gia đình và sinh con, chắc Yến Chi ra đời là niềm hạnh phúc lớn với chị?
- Có con mà bạn, mẹ nào chẳng hạnh phúc. Lập gia đình xong, tôi chủ động mong có Yến Chi sớm. Chẳng cần mong ước gì cao xa, có một đứa con để cùng vui buồn là đủ thấy cuộc sống ý nghĩa.
- Xin chia sẻ với chị, Yến Chi mắc bệnh nan y chắc hẳn chị rất sốc?
- Thực ra, hồi đầu tôi nghĩ đơn giản, chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng. Bác sĩ nói cháu bị rối loạn sinh tủy, phải truyền máu thường xuyên. Tôi đành tự bảo bản thân là con mắc bệnh khó chữa nhưng cứ dồn tâm sức chăm lo là được. Mẹ con có nhau, rồi cũng qua. Đến khi biết bệnh gây nguy hiểm tới tính mạng bất cứ lúc nào thì không dừng nổi nỗi lo lắng.
Yến Chi hiếu động, ít khi ngồi yên nên khó tránh va chạm, xây xước mà bệnh lại phải hạn chế những chuyện đó. Từ khi biết con mắc bệnh hiểm nghèo, tôi chẳng còn mong mỏi gì hơn là cháu được sống, khỏe mạnh.
- Chị có gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp cuộc sống cho hai mẹ con?
- Hồi nhỏ cháu phát triển bình thường như chúng bạn. Nhà neo người nên hai mẹ con đồng hành cùng nhau cả ngày, kể cả lúc tôi đi chợ bán hàng. Gần đây, cháu lớn hơn, có thể ở nhà một mình, thời tiết lại khắc nghiệt nên tôi đành để Yến Chi tự chơi mỗi lúc đi làm. Có điều, giờ cháu hay đau đầu và đau bụng, lại lười ăn, cần người chăm lo từ miếng ăn giấc ngủ nên công việc của tôi cũng thất thường lắm. Tôi chỉ thuê được chỗ bán hoa quả ngoài chợ 8/3 từ chiều tới tối nên không được mấy, giá mà bán thêm buổi sáng thì còn đỡ hơn một chút.
Yến Chi không thích bị nhốt ở nhà. Bị mẹ bắt ở nhà nhiều quá, có hôm, con xin đi cùng mãi không được, thế là con buồn, tới tối chẳng thấy xuống ôm mẹ, đón mẹ. Nhưng thương con đến mấy, nghỉ làm mãi thì lấy đâu để lo cuộc sống.
- Vậy còn tâm lý của Yến Chi khi biết bản thân mắc bệnh?
- Cháu nó vô tư lắm, hiểu là có bệnh thôi chứ chẳng nghĩ gì nhiều. Tôi chỉ biết con cần bạn bè, trường lớp để không buồn và lớn lên, vậy nên vẫn cố gắng để cháu đi học đều đặn khi vào năm học.
Thi thoảng tôi lại động viên mỗi lúc cháu lười ăn: "Con có muốn khỏi bệnh không, muốn thôi vào viện không? Nếu muốn thì con phải chịu khó ăn đi nhé!". Con bé trả lời: "Con vẫn ăn đây này mẹ". Nhưng chắc cháu mệt nên ăn ít, ngại uống sữa, cái gì cũng chỉ được có chút là thôi…
- Vất vả đến thế này, nếu thời gian quay trở lại, liệu chị có lựa chọn khác đi?
- Làm mẹ thì ai cũng yêu con, bất kể chuyện gì xảy ra. Con gặp trắc trở thì tôi buồn thôi. Có một đứa con hạnh phúc lắm, lúc nào cũng mong được sinh ra con, ở bên con như thế này.
Hiện tại, theo kinh nghiệm của một vài người chỉ cho, tôi đang cố gắng tìm thêm các thuốc uống và thức ăn phụ trợ cho con. Gần đây, rất vui vì có một chị ở miền Nam đã gửi cho tôi tài liệu về việc bổ sung gạo lứt muối mè trong khẩu phần ăn của con một cách rất chi tiết, tôi cũng thỉnh thoảng đi kiếm các bài thuốc bắc, thuốc lá trong dân gian… cho cháu. Tôi không ngại vất vả, chỉ cần cháu khỏi bệnh, khỏe mạnh là được.
- Thực sự, không phải ai cũng có thể vững vàng như chị!
- Nhiều hôm nhìn con đau, tôi đành bảo cháu: “mẹ chẳng biết làm thế nào, cái gì gánh được, mẹ gánh cho con”. Có những lúc Yến Chi đau đầu quá, không ngủ nổi. Hai mẹ con cứ ngồi ôm nhau, bóp đầu rồi cháu cũng thiếp đi.
Ai biết con ốm mà chẳng đau lòng, mệt mỏi. Nhưng bản thân không được quên mình là người lo cho con. Con luôn cần có mẹ. Phải cố gắng lên thôi. Mẹ mà quỵ thì ai là người đứng lên lo cho con bây giờ!?
- Cảm ơn chị, chúc chị và con gái luôn vững vàng để vượt qua mọi trở ngại!
Quý bạn đọc quan tâm đến hoàn cảnh, muốn chia sẻ và hỗ trợ chị Nhữ Thị Khoa có thể liên lạc đến số điện thoại của chị: 0168 684 9819
Bài: Lam An
Ảnh: Nhật Anh
Họ là những người mẹ. Họ đặc biệt vì con họ đặc biệt.
Đẹp đã vào bên trong cánh cửa những ngôi nhà đặc biệt để nghe những người mẹ kể về những câu chuyện hết sức “bình thường” về tình mẹ...
Con của họ là người của công chúng, từng ở đỉnh cao hay vực sâu của danh vọng, tiền tài, sự nghiệp.
Con của họ là đứa trẻ họ không dứt ruột đẻ ra nhưng họ chăm bẵm nâng niu còn hơn cả máu thịt của mình.
Con của họ có thể không may mắn, có thể lầm đường lạc lối, thất bại, ương ngạnh, nhưng ngôi nhà của họ luôn mãi là chốn nương náu bình yên nhất đối với các con sau mỗi cơn giông bão của cuộc đời.
Không có nhận xét nào: