Tô Hồng Vân - người mẹ "đa zi năng" của "ba con vịt"
- Thưa chị Tô Hồng Vân, chị thành công trong nhiều lĩnh vực với rất nhiều chức danh, vậy chị muốn được xưng hô ra sao trong cuộc phỏng vấn này?
- “Vịt Mẹ” là nickname mọi người xung quanh yêu mến đặt cho Vân. Nickname này không chỉ dễ thương mà còn cực kì phù hợp, mình cứ “Vịt Mẹ” cho gần gũi nhé!
- Chị năng động như một bà mẹ "Tây" nhưng lại lựa chọn những công việc giúp ích cho kỹ năng của những bà mẹ “Ta”. Tôi phải hiểu sao về điều này?
- “Ta” hay “Tây” thật ra không quan trọng bằng trường phái “Mình”. Môi trường sống mỗi nhà mỗi khác, tính cách mỗi thành viên trong gia đình lại càng khác nữa, nên các trường phái chỉ là những cái áo may sẵn, dạng free size, ai mặc cũng vừa nhưng không tôn dáng, cũng chẳng nêu bật được cá tính. Nên hãy tự may cho mình một chiếc áo phù hợp nhất, đặc biệt là đừng ngại sửa. Sống với các con không phải chỉ là dạy con mà là bố mẹ và con cùng nắm tay nhau lớn lên mỗi ngày, quy tắc/phương pháp này chưa phù hợp thì mình đổi phương pháp khác. Mỗi người, cứ nhận sai và cùng nhau điều chỉnh thôi.
- Theo chị, hạnh phúc của các con là gì?
- Từ giờ đến vài năm nữa, tức là khi con bắt đầu đến “ngưỡng cửa trưởng thành”, Vịt Mẹ sẽ cố gắng để đặt “sự sốt ruột” của mình qua một bên, cho con quyền tự quyết, và sẽ chỉ “lên tiếng khi con hỏi”, vì Vịt Mẹ nghiệm ra được từ cuộc sống của chính bản thân mình. Hạnh phúc chính là tự vấp ngã và tự đứng lên được.
- Chị lo sợ điều gì nhất, trong môi trường xã hội xung quanh, ảnh hưởng xấu đến con mình?
- Bây giờ Vịt Mẹ không lo sợ nhiều nữa, vì hiểu rằng, tất cả đều nằm trong sự lựa chọn “chủ động” của bản thân mình.
- “Tất cả đều nằm trong sự lựa chọn chủ động của bản thân mình” nghĩa là sao ta?
- Rèn được con mình theo một thói quen khác lạ so với số đông hoàn toàn không phải là điều dễ dàng. Cho con tự xúc ăn và “ăn thì ăn, không ăn thì... nhịn” trong khi tất cả những thông tin trao đổi của các phụ huynh xung quanh đều là chuyện tăng chiều cao, cân nặng của các con; hay cho con nghỉ hè ở nhà lang thang với mẹ trong khi các bạn đã thuộc hết mặt chữ và sẵn sàng để vào lớp 1; lôi con vào bếp “chơi” thay vì cho con học bằng phần mềm máy tính, điện thoại... Mẹ đã quen với việc đôi lúc cảm thấy “lạc lõng” nên không quan tâm lắm. Nhưng khi bản thân con là người phải chịu những ánh mắt đánh giá thì mẹ thật sự bị “lung lay”. Nhìn con xị mặt buồn khi bị chê “sao ốm dữ vậy con” hay con bỗng dưng cảm thấy “mình thật dở” khi không thành thạo với trò chơi trong iPhone, iPad như các bạn – con đang phải gánh chịu cảm giác tự ti, vì sự lựa chọn “khác số đông” của mẹ. Vậy có đáng không? Mẹ có đang làm sai không?
Với lựa chọn “nói không với trò chơi điện tử” (điện thoại, máy tính bảng và máy tính), Vịt Mẹ đã phải cân nhắc để trung hoà lựa chọn của mẹ với sự hoà nhập, sự tự tin và sở thích của con bằng cách bắt đầu cho con chơi NHƯNG với thời lượng và quy tắc riêng của gia đình Vịt. Ngày trong tuần vẫn giữ nếp cũ – tuyệt đối không chơi; tối thứ 7 sang nhà bà sẽ được chơi xả láng, và chủ nhật thì có thêm khoảng 2 tiếng dành cho điện tử (các thiết bị bên trên + ti vi) – chơi với sự “có mặt”/“lảng vảng” của mẹ kế bên. Song song đó, mẹ cũng vẫn làm công tác tư tưởng với con: mẹ giải thích là mỗi nhà có một cách sinh hoạt, nề nếp riêng, con có thể ít chơi iPad, không biết nhiều trò chơi bằng bạn nhưng bữa nào thử rủ bạn làm bánh với con xem, có khi bạn lại cũng thòm thèm là sao làm bánh vui vậy mà nhà bạn lại không làm thường xuyên.
- Chị cân bằng ra sao trong những lúc mệt mỏi, gặp khó khăn trong công việc để có thể giữ sự bình an cho các con của mình?
- Điều này thì đúng là không cân bằng được, nhất là với bản tính “sống cảm xúc” như Vịt Mẹ. Nhưng Vịt Mẹ rất có kỹ năng “nhờ vả” – nhờ bà ngoại giúp sức, nhờ chồng san sẻ, nhờ con thông cảm! Việc được con thông cảm quan trọng lắm, nhất là khi cột mốc “bình đẳng” giữa mấy mẹ con có vẻ cũng gần gần rồi: mẹ lỡ “chuyên quyền, độc tài” xong có thể thoải mái xin lỗi con (không phải giữ “vị thế” của mình), con ôm mẹ vỗ về “con hiểu mà, lúc đó mẹ mệt, mà con lại hơi hư nên mẹ bực, không sao mẹ ạ”. Thậm chí là Vịt Mẹ và Vịt Con có thỏa thuận “những lúc mặt mẹ hằm hè thì cứ đứng cách xa mẹ chục bước chân, hoặc chui luôn vào phòng trốn, khi nào cơn thịnh nộ của mẹ qua thì hãy lại gần”.
Vịt Con làm cực tốt vai trò của mình, mấy chị em sẽ chia nhau người dắt em vào phòng, người rót sẵn ly nước “Mẹ uống nước đi mẹ” rồi chạy bay chạy biến. Cảm ơn mấy con vịt con nhiều, nhiều, nhiều lắm!
Không được thì… thôi!
- Cho tôi hỏi thăm về tiêu đề “Không được thì… THÔI”, trong cuốn sách chị vừa xuất bản! Phải hiểu sao về quan niệm này?
- Mới nghe, “Không được thì... THÔI” có thể mang tới cảm giác bất cần đời, nhưng sau khi đọc xong quyển sách, hầu hết các cô chú độc giả đều thích thú lấy câu nói này làm câu cửa miệng. “Không được thì... THÔI” thật ra là sự bình thản chấp nhận sự việc đang xảy đến, là sự bình tĩnh tìm cách xử lý vấn đề theo khả năng của mình, là sự bình an khi đón nhận những cơn giông chợt ập đến trong cuộc sống.
- Chị đã áp dụng quan niệm này ra sao trong công việc, trong cuộc sống và khi làm mẹ?
- Quan niệm này thể hiện rõ nhất, có lẽ là trong cách quản trị nhân sự của Vịt Mẹ. Bị/được đặt vào vai trò quản lý khá sớm (gần như là vừa ra trường), “Sếp Vịt” ngày trẻ có chút bồng bột và rất hay bị stress khi gặp vấn đề với các thành viên trong nhóm, nhất là khi xảy ra mâu thuẫn nội bộ giữa các nhân viên. “Sếp Vịt” ngày đó thường sẽ buồn chung với nỗi buồn tranh cãi của các thành viên trong nhóm và... “nhảy vào” làm trọng tài. “Sếp Vịt” hiện tại “bơ” hơn, nhìn nhận sự hiện diện của mâu thuẫn, tự phân tích thiệt hại/được mất của vấn đề và để các bạn tự giải quyết. Đó cũng là cách giúp các bạn trưởng thành hơn, hiểu nhau hơn, còn lỡ có không hiểu nhau được thì... thôi. Đùa đấy, trường hợp các bạn không giải quyết được, phương án dự phòng sẽ luôn có và được đưa ra khi cần thiết.
Bài: Nguyên Ân
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bà mẹ ba con Tô Hồng Vân hiện sống tại Tp.HCM. Chị là người sáng lập và điều hành Dịch vụ Bếp phó - chuyên sơ chế và giao hàng tận nơi cho bữa cơm của những bà nội trợ. Chị cũng là Thư ký tòa soạn Tạp chí Mẹ Yêu Bé và còn là Giám đốc truyền thông của chuỗi cửa hàng đồ chơi an toàn và phát triển kỹ năng FunnyLand. Gần đây, chị còn tham gia viết sách, chị là đồng tác giả quyển sách "Vốn từ đầu tiên cho bé" (NXB Trẻ, 2014) và tác giả cuốn "Không được thì... THÔI" vừa phát hành cuối tháng 5/2015.
"Những người mẹ đặc biệt"
Họ là những người mẹ. Họ đặc biệt vì con họ đặc biệt.
Đẹp đã vào bên trong cánh cửa những ngôi nhà đặc biệt để nghe những người mẹ kể về những câu chuyện hết sức “bình thường” về tình mẹ...
Con của họ là người của công chúng, từng ở đỉnh cao hay vực sâu của danh vọng, tiền tài, sự nghiệp.
Con của họ là đứa trẻ họ không dứt ruột đẻ ra nhưng họ chăm bẵm nâng niu còn hơn cả máu thịt của mình.
Con của họ có thể không may mắn, có thể lầm đường lạc lối, thất bại, ương ngạnh, nhưng ngôi nhà của họ luôn mãi là chốn nương náu bình yên nhất đối với các con sau mỗi cơn giông bão của cuộc đời.
Không có nhận xét nào: